![](/Portals/0/EasyDNNNews/20220/20220_29422.jpg) |
TS Trần Hồng Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương truyền đạt các nội dung của Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII (Ảnh: Y Trang ) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phùng Minh Cường - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL nêu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng; đồng thời đề ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhất là các cán bộ chủ chốt cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc học tập Nghị quyết, bằng việc lắng nghe báo cáo viên truyền đạt và tìm hiểu tài liệu để nắm vững những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ ra. Trên cơ sở đó mỗi cán bộ, Đảng viên, người đứng đầu cơ quan đơn vị cần nêu cao tinh thần gương mẫu, sáng tạo và có những vận dụng một cách linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; Các cấp ủy cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng một cách hiệu quả; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nội dung học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị trung ương 5, khóa XII của Đảng gồm 3 Nghị quyết: Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng khóa XII đã đề ra về phát triển kinh tế, xã hội. Nội dung trọng tâm các Nghị quyết này là những vấn đề lớn mang tính chất đột phá, giải quyết những vấn đề tắc nghẽn; đồng thời chỉ ra đường lối về thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hội nghị đã được nghe TS Trần Hồng Hà - Phó Bí Thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương truyền đạt những nội dung cơ bản của 3 Nghị quyết trên. Trong đó làm rõ các vấn đề về quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và từng giải pháp của từng Nghị quyết. Trước hết, về nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết số 11) đã chỉ ra rằng: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Về Nghị quyết số 12: Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/20220/20220_29424.jpg) |
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang ) |
Nghị quyết số 10 về Phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm. Trải qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới trong phát triển kinh tế xã hội, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại Nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.
Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết, hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đã khẳng định: phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng được tổ chức nhằm giúp cấp ủy các cấp chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết hiệu quả. Đồng thời, tổ chức và tham gia làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Nghị quyết trong các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc, đẩy lùi tinh trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
VD