Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, tính đến thời điểm hiện tại, ở nước ta có 02 tổ chức xã hội về thể dục thể thao là Ủy ban Olympic Việt Nam và Hiệp hội Paralympic Việt Nam, cùng 27 tổ chức xã hội - nghề ngiệp về thể dục thể thao là các Lliên đoàn, Hiệp hội thể thao cấp quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã phối hợp với Tổng cục TDTT, các địa phương tổ chức 91 giải thể thao trong nước và 16 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Trong số đó, có nhiều giải thể thao được vận hành theo mô hình chuyên nghiệp do Liên đoàn quốc gia đứng ra tổ chức, được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ, như giải bóng đá V-league, Giải Bóng rổ chuyên nghiệp, các giải Quần vợt, giải Bóng chuyền, giải Xe đạp,… Một số giải thể thao quốc tế được tổ chức trong nước đã được thực hiện chủ yếu bằng nguồn lực của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và địa phương như: giải Cầu lông Hanoi Challenge 2017, Cúp Bóng chuyền quốc tế VTV Bình Điền, vô địch Golf trẻ châu Á,…
![](/Portals/0/EasyDNNNews/20094/20094_29108.jpg) |
Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng chủ trì buổi giao ban với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia (Ảnh: Thế Thiện) |
Trong công tác đào tạo VĐV, Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục TDTT và các cơ quan chuyên môn về TDTT trên toàn quốc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự SEA Games 29, ASEAN Para Games 9 tại Malaysia; Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á tại Turkmenistan, Đại hội thể thao thế giới lần thứ 10 tại Ba Lan, Đại hội thể thao trẻ em châu Á –Thái Bình Dương tại Nga và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Đánh giá những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng nhấn mạnh: các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong công tác xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức tuyển chọn, đào tạo VĐV, cử lực lượng VĐV tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc tế. Một số Liên đoàn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Golf, Dance sports, Cờ,…với điều kiện về tài chính đã quan tâm bố trí kinh phí để cử VĐV, HLV, trọng tài đi tập huấn, thi đấu và làm nhiệm vụ tại nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị giao ban, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng nêu ra những hạn chế, bất cập như: phương thức hoạt động hình thức, chưa phân công, phân nhiệm cụ thể tới từng thành viên nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Một số Liên đoàn chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển, kết nạp và quản lý các hội viên hoặc tổ chức thành viên theo quy định của Điều lệ Hội. Cùng với đó, việc triển khai hoạt động dịch vụ, huy động các nguồn tài trợ, quảng cáo để đảm bảo triển khai các hoạt động của Hội nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/20094/20094_29109.jpg) |
Toàn cảnh buổi giao ban (Ảnh: Thế Thiện) |
Chính vì vậy, thông qua buổi giao ban này, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Liên đoàn, Hiệp hội để từng bước đẩy mạnh hơn nữa công tác của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia.
Tại buổi giao ban, các đại biểu tham dự đã nghe 16 ý kiến đề xuất từ đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với bản báo cáo về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, các ý kiến cũng đưa ra bàn luận về các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm như công tác chuyển nhượng VĐV, vấn đề nhập tịch VĐV, chế độ bảo hiểm cho các VĐV tập huấn ở nước ngoài, việc phối hợp giữa các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia với các địa phương và với các bộ môn,…
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đồng thời trả lời những vấn đề mà các đại biểu nêu ra tại buổi họp. Đơn cử như vấn đề chuyển nhượng VĐV, theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng về vấn đề này các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia cần xây dựng những quy chế chuyển nhượng VĐV riêng bởi đặc thù mỗi môn thể thao là khác nhau. Tổng cục trưởng mong muốn, trong thời gian tới, các Liên đoàn, Hiệp hội sẽ tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến cho Tổng cục TDTT về những vấn đề liên quan đến các đội tuyển quốc gia.
Trong thời gian tới, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2017, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng mong muốn các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia tiếp tục phát huy vai trò của mình, đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ HLV, trọng tài, VĐV để đưa Thể thao Việt Nam vững bước đi lên.
KC