Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

Từ ngày 5/5, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo chính thức có hiệu lực. Đây là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, với khoản 1 Điều 28 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao. Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi bao che, tổ chức cho VĐV sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

Nghị định cũng quy định mức phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao; Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ tiền thù lao đối với trọng tài thành tích cao theo quy định. Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi: không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho VĐV theo quy định; không sơ cứu, cấp cứu cho VĐV theo quy định; không có hoặc có nhưng không đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cho VĐV khi tập luyện, thi đấu theo quy định; kinh doanh hoạt động thể thao mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định hoặc sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của tổ chức khác; sử dụng đội ngũ HLV, nhân viên chuyên môn không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng dụng cụ, trang thiết bj, phương tiện không có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và không bảo đảm các yêu cầu về kích thước, kiểu dáng, mẫu mã, công suất, công năng sử dụng theo quy định; sử dụng đội ngũ nhân viên chuyên môn không bảo đảm các điều kiện về sức khỏe theo quy định; không có hoặc cớ nhưng không đầy đủ báo hiệu, đnè báo hiệu hoặc bảng thông báo khu vực nguy hiểm, bảng cấm, bảng khuyến cáo theo quy định; không bảo đảm các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cục phục vụ công tác bảo đảm an toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra những quy định xử phạt cụ thể đối với các hành vi vị phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và quảng cáo. Theo đó, khoản 1 Điều 15 của Nghị định sửa đổi quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng đồng đối với hành vi bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo nội dung phim đã được dán nhãn kiểm soát.

Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng với việc bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa được phép phổ biến; Phát hành phim nhựa, băng đĩa phim quá phạm vi được ghi trong giấy phép phổ biến; dán nhãn kiểm soát không đúng chương trình đã được cấp giấy phép phê duyệt nội dung;...

Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội; không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam…

Nghị định cũng quy định bổ sung mức phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép; Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam và quan hệ đối ngoại; Thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam sau khi đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu; Không thu hồi danh hiệu đã trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu.

Với người có hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng.

Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo thực hiện hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội...

KC

Ảnh trong bài
  •  Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo