Hội thảo Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên

Ngày 13/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2), các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, tham dự và thảo luận nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho Hội nghị trong đó có Hội thảo về “Kết nối giáo dục và khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên”.

Các thành viên tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: A.T)
Phát biểu chào mừng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến đã gửi lời chào đón nồng nhiệt tới tất cả các thành viên tham dự Hội thảo. Bà Lê Thị Hoàng Yến cũng nhấn mạnh, APEC được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng Cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững. Hiện nay, APEC đã tập trung vào chính sách kết nối giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các vận động viên, đặc biệt là cho các nữ vận động viên, những người cần nhiều quan tâm từ cộng đồng.

Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng đánh giá cao những ý tưởng đến từ các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy và hỗ trợ nữ vận động viên đã hết tuổi nghề phát triển đi lên trong cuộc sống. Điều này cũng đóng góp vào sự phát triển chung của các nền kinh tế thành viên APEC.

Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng hy vọng sau Hội thảo này, có thể tìm ra được những giải pháp chung để xây dựng các chính sách hiệu quả, bền vững cho vấn đề này.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia đến từ các quốc gia Malaysia, Phillipines, Singapore, Đài Bắc - Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong kết nối giáo dục - khởi nghiệp đối với đối tượng là VĐV nữ. Các chuyên gia cũng chia sẻ về tầm quan trọng của chính sách với việc giáo dục toàn diện đối với VĐV nói chung và VĐV nữ nói riêng.

Theo đó, các chuyên gia đều cho rằng một nền tảng giáo dục tốt sẽ là đòn bẩy cho việc phát triển sự nghiệp tương lai của các VĐV khi đang trơng thời gian thi đấu hay việc khởi nghiệp của họ sau khi giải nghệ.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe những ví dụ khởi nghiệp điển hình của VĐV như: Sharon WEE (VĐV môn Squash)  - Giám đốc Sports Warrior Global, Malaysia; Cheng HO (Cầu thủ Bóng đá) người sáng lập và điều hành của Choxue, Đài Bắc - Trung Quốc; Jeff HSU (VĐV Quần vơt), người sáng lập của Học viện Quần vợt Hy vọng, Đài Bắc - Trung Quốc và Seen WROE (VĐV môn Điền kinh), Giám đốc của Sakura Finance, Úc...

chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong kết nối giáo dục - khởi nghiệp đối với VĐV nữ.(Ảnh: A.T)
Tiêu biểu là sự chia sẻ về kinh nghiệm lập nghiệp của Sharon WEE - Giám đốc Sports Warrior Global, Malaysia. Theo đó, Sharon WEE  khẳng định có được vị trí như ngày hôm nay, hơn ai hết, cô hiểu tầm quan trọng của giáo dục có giá trị quyết định như thế nào đối với sự khởi nghiệp của VĐV.

Theo Sharon WEE, sự nghiệp của VĐV rât ngắn, kể cả đối với những VĐV nổi tiếng thế giới nếu không có được một khởi nghiệp tốt khi giải nghệ họ sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Chính vì vậy, Sharon WEE chia sẻ cần khuyến khích, động viên và giáo dục họ tích cực học tập nâng cao trình độ từ phổ thông tới Đại học và thậm chí cao hơn. Bên cạnh đó, cần phải tích lũy kiến thức để đạt được những chứng chỉ phục vụ cho sự nghiệp vững chãi sau này. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các VĐV cũng cần có sự chuẩn bị chủ động của bản thân thông qua việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho quãng đường phía trước.

Các ví dụ được chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của các VĐV nêu trên là minh chứng rõ ràng cho vai trò và tầm quan trọng của sự kết nối giữa giáo dục và khởi nghiệp đồng thời đây cũng là ví dụ về sự đóng góp hiệu quả của khởi nghiệp VĐV đối với nền kinh tế APEC.

A.T

Ảnh trong bài
  • Hội thảo Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp:  Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên