Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quý I năm 2017

Ngày 29/3/2017, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quý I năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Phùng Minh Cường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, các Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL, cấp ủy của 75 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ, Trưởng, Phó các đơn vị không tham gia cấp ủy và, Bí thư, Phó Bí thư các đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch và Đảng ủy trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội...

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch báo cáo triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW (Ảnh: Y Trang)
Nội dung chính của Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai tới các đại biểu 2 nội dung đó là: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về "Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"; Tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Về nội dung thứ Nhất, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã trình bày những nội dung chính của Nghị quyết, trong đó, tập trung làm rõ những nhiệm vụ, mục tiêu cũng như những giải pháp để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Ðổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Tăng cường xúc tiến, quảng bá; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Tổng cục trưởng khẳng định, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị là văn kiện lịch sử đối với ngành Du lịch Việt Nam, thể hiện chuyển biến bước ngoặt về tư duy, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo với một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện để du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự ra đời của Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch được xem là một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của Du lịch nhằm tạo ra bước đột phá mới trong phát triển du lịch, đồng thời với những giải pháp cụ thể, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, yếu kém và đưa Du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Du lịch.

Nội dung thứ 2 được triển khai tại Hội nghị đó là tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, do đồng chí Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DTT Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Ủy ban ứng dụng Công nghệ thông tin quốc gia trình bày. Trong đó, tập trung làm rõ khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp, tác động cũng như ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội, các cách ứng phó và hành động...

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội và thách thức rất lớn. Khoa học và công nghệ sẽ biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ tăng; chi phí thương mại giảm sẽ làm tăng doanh thu toàn cầu, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính tiện ích cho cuộc sống cá nhân.

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra với công nghệ số hóa phát triển có tác động trực tiếp tới mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành VHTTDL. Bởi vậy, vấn đề đặt ra đó là chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng những hành động cụ thể như thế nào?

Trước những thời cơ và thách thức cũng như những tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đối với lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL cần có những hành động như khuyến nghị Chính phủ chú trọng đầu tư phát triển công nghệ cuộc sống nhằm tạo nền tảng công nghệ cho ngành công nghiệp Văn hóa; Rà soát lại các kế hoạch hành động dưới ánh sáng của cách mạng Công nghệ 4.0 và góc nhìn công nghiệp. Phát triển ngành công nghiệp Văn hóa, ngành kinh tế mũi nhọn du lịch; Đẩy mạnh và hợp tác nhanh và sâu với doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin; Thúc đẩy khởi nghiệp và thượng tôn tinh thần doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa; Triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng cho các công việc, nghề nghiệp mới trong lĩnh vực VHTTDL và công nghệ cuộc sống; Chủ động xây dựng hình mẫu cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

VD

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quý I năm 2017