Trong khuôn khổ buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay: APEC 2017 (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) được đánh giá không chỉ là đột phá mang tầm chiến lược với cộng đồng các doanh nghiệp mà còn là cơ hội vàng để giới thiệu về văn hóa, con người và vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
|
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị (Ảnh: Văn Duy) |
Các Nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hết sức quan tâm tới hội nhập và hợp tác sâu rộng trong APEC, trong đó có Du lịch. Chính vì vậy, Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức Hội nghị Bàn tròn về du lịch bền vững (cấp Bộ trưởng) APEC 2017 tại Hạ Long Việt Nam. Thời gian dự kiến Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 18, 19 tháng 6/2017.
Như vậy, cùng với những định hướng hợp tác đã được các Bộ trưởng du lịch thông qua tại các Hội nghị Bộ trưởng du lịch ở Peru (2016) và Ma Cao (2014), Hội nghị Bàn tròn về du lịch bền vững (cấp Bộ trưởng) APEC 2017 tại Việt Nam sắp tới sẽ định hướng cho nhóm công tác về hợp tác phát triển du lịch APEC nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đóng góp của du lịch vào mục tiêu tăng trưởng bao trùm.
Được biết, APEC trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, Du lịch APEC đón được trên 396 triệu lượt khách, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực APEC.
Hội nghị lần này sẽ đề xuất mục tiêu, nội dung cơ bản của tuyên bố Hạ Long và khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây là một sáng kiến, nỗ lực của chủ nhà Việt Nam nhằm đưa ra những gợi mở về chính sách, cam kết của các nền kinh tế thành viên APEC về mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức Du lịch thế giới đưa ra trong năm 2017.
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy) |
APEC trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, các nền kinh tế thành viên APEC đón được trên 396 triệu lượt khách (chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới); tạo thu nhập trên 598 tỷ USD (chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu), tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp.
Các Bộ trưởng du lịch thuộc APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch của 21 nền kinh tế thành viên cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017 được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn là “Năm du lịch bền vững.”
Sau khi nghe Tổng cục Du lịch báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị Bàn tròn về du lịch bền vững (cấp Bộ trưởng) APEC 2017 trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu, Tổng cục Du lịch rà soát chặt chẽ công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu. Mọi công tác diễn ra được đảm bảo trang trọng, chu đáo, hiệu quả nhưng phải rất tiết kiệm, hạn chế đến mức tối đa các hoạt động ngoài lề không liên quan tới các chương trình của Hội nghị lần này.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hy vọng rằng: Đẩy mạnh hợp tác du lịch với các nền kinh tế thành viên APEC, sẽ có thêm nguồn lực phát triển cho du lịch Việt Nam và hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong APEC.
N.H