UNESCO vinh danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Ngày 10/2, tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì buổi họp báo cung cấp các thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí cả nước về thực hành “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thông tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cung cấp tại buổi họp báo: vào 20 giờ ngày 2/4 tới, tại tỉnh Nam Định sẽ diễn ra Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết: Tại buổi lễ sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật. Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính: Thể hiện rõ bản sắc và những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và Nam Định – Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và là Trung tâm của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tại buổi lễ cũng sẽ diễn ra Lễ công bố chương trình hành động quốc gia cam kết bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng của người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn; thúc đẩy tinh thần hòa hợp dân tộc; lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt thông qua thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… Đồng thời, đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, Bộ VHTTDL cũng đã đưa ra bản dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật  thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2020 gồm 5 điều. Trong đó, để thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không bị biến tướng, Bộ VHTTDL sẽ có những biện pháp như: Có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng Thờ Mẫu. Tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không “phán truyền” cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể nói chung về thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng để cộng đồng, công chúng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học về di sản, về sư vinh danh của UNESCO. Vinh danh, khen thưởng động viên và khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tầm, truyền dạy hát văn…; Ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền…

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, việc di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản này. Cùng với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản này do Bộ VHTTDL ban hành tới đây, Bộ VHTTD mong muốn báo chí sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản nói chung và di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” nói riêng để công chúng có những trí thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản này một cách đúng đắn.

Thứ trưởng cũng mong muốn, việc tuyên truyền được đẩy mạnh để các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa của người Việt trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, không “phán truyền”, không lợi dụng trục lợi… đồng thời vinh danh, động viên khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tâm, truyền dạy hát Văn, kết hợp với những thủ nhang, thầy đồng gương mẫu trong thực hành đúng về di sản.

N.H

 

Ảnh trong bài
  • UNESCO vinh danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”