Tại Hội nghị, đánh giá về tình hình Du lịch nước ta trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Mười lăm năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2% năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém nhất định như: Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quả lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa phát huy.
|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: V.Duy) |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do: Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc, thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đặt ra những mục tiêu cụ thể cho ngành Du lịch như: Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đạm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Để hoàn thành được mục tiêu trên, Bộ trưởng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Trong đó tập trung vào: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Cần hoàn thiện các thể chế, chính sách về du lịch; Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Với quan điểm, mục tiêu cụ thể đã đề ra, Bộ trưởng hy vọng trong năm nay và những năm tiếp theo ngành Du lịch sẽ có những bước phát triển mới, vững chắc để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành.
MĐ