Hình ảnh Thể thao Việt Nam đã vươn mình ra thế giới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “năm nay là năm ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực được giao một cách toàn diện”. Trong đó, lĩnh vực Thể dục Thể thao tạo dấu ấn mạnh mẽ với nhiều thành tích nối bật tại các giải đấu Thể thao khu vực, châu lục và thế giới như: Lần đầu tiên Việt Nam đoạt Huy chương Vàng và phá kỷ lục Olympic; lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympic đạt Huy chương Vàng, đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới. Chính những thành tích này đã đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Điều này rất vinh dự và tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/19283/19283_27100.jpg) |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Khi nhìn nhận và đánh giá về thành tích nổi bật trong năm 2016 của Thể thao Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi luôn dõi theo từng bước chân của các cầu thủ Việt Nam, VĐV Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các cầu thủ, VĐV Việt Nam đã luôn nỗ lực hết mình để giành vinh quang cho Tổ quốc. Gần đây nhất là tại giải AFF Suzuki Cup 2016 (trận đấu lượt về trên sân Mỹ Đình - Việt Nam), tôi và nhiều cán bộ Đảng và Nhà nước đã trực tiếp tới sân Mỹ Đình xem tuyển Việt Nam gặp Indonesia. Trận đấu để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, hồi hộp, lo âu, vui mừng… Trời lạnh, nhưng sức nóng của sân rất lớn, bởi sự cổ vũ cuồng nhiệt từ cổ động viên. Tôi thấy rằng tình yêu thể thao của người dân Việt Nam rất lớn.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực thể thao thành tích cao mà cả ở phong trào TDTT quần chúng. Qua mỗi năm tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình luyện tập Thể thao thường xuyên ngày càng tăng. Một trong những mục tiêu mà Chính phủ, ngành TDTT cần hướng đến trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện, xây dựng những chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để VĐV, HLV, người dân được thụ hưởng các điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ cho nhu cầu luyện tập TDTT. Từ đó tạo nên một xã hội với những con người khoẻ mạnh, trí tuệ, đạo đức tốt.
Không thể xem nhẹ văn hoá ứng xử, đạo đức, lối sống của VĐV, HLV
Khi nói về vấn đề văn hóa trong TDTT, Thủ tướng cho rằng: Yếu tố văn hoá trong tập luyện và thi đấu Thể thao vô cùng quan trọng, cần phải tập trung nhiều hơn nữa tới công tác giáo dục văn hoá đạo đức, lối sống, của đội ngũ VĐV, đặc biệt là những VĐV trẻ.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/19283/19283_27102.jpg) |
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Trong năm 2016, Thể thao Việt Nam không có vụ việc tiêu cực nào, đây là việc đáng mừng trong công tác giáo dục, tuyên truyền đạo đức cho các VĐV Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngành TDTT và các cấp quản lý có liên quan đã rất nghiêm khắc về các vấn đề tiêu cực trong Thể thao.
Để có một nền TDTT phát triển, VĐV có thành tích tốt ở các đấu trường quốc tế lớn thì ngay từ ban đầu (cấp cơ sở, các trường học, các trung tâm huấn luyện tại địa phương và quốc gia) chúng ta phải rất coi trọng, chú ý tới công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống tới các VĐV để từ đó hình thành cho VĐV những ý thức tốt trong tập luyện, thi đấu và cuộc sống. Đây là việc làm không thể xem nhẹ và phải được coi trọng, tập trung hàng đầu đối với những người làm việc trong lĩnh vực TDTT.
Thủ tướng yêu cầu ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch lắng nghe ý kiến của các nhà văn hoá, coi trọng nhân tài, phải đầu tư chiến lược, đầu tư chiều sâu để tạo nên các tác phẩm, thành tích. Vấn đề chiêu hiền đãi sĩ không chỉ ở ngành Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo mà cả trong ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, tháo gỡ khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, Thủ tướng tin tưởng rằng ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, cùng chung sức, đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Ở lĩnh vực TDTT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những tồn đọng như: Trong thi đấu Thể thao vẫn còn đâu đó những biểu hiện không đẹp, bạo lực trong Thể thao. Ở một số sân chơi trong nước, quốc tế vẫn còn chạy theo thành tích, chưa thiết thực. So với khu vực, châu lục và thế giới, trình độ của các vận động viên Việt Nam vẫn còn thua kém và có khoảng cách nhất định. Cơ chế chính sách đãi ngộ đối với các VĐV, HLV vẫn còn lúng túng, nhất là cơ chế tài chính. Trang thiết bị tập luyện dành cho VĐV ở nhiều môn Olympic còn thiếu thốn, lạc hậu như môn Đấu kiếm, Bắn súng...
Thủ tướng bày tỏ, "qua báo chí tôi được biết các VĐV đấu kiếm cả năm không có kiếm để tập hay các VĐV Bắn súng chỉ tập bắn chay mà không có đạn". Trước thực tế này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và Tổng cục TDTT cần sớm khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn chưa ý thức tốt, triển khai mạnh mẽ về việc giành quỹ đất cho hoạt động TDTT. Về điều này Thủ tướng nhấn mạnh: chúng ta phải làm triệt để, thay đổi nhận thức ngay từ cấp cơ sở điển hình như: quỹ đất tại địa phương hạn chế việc cho doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà cao tầng, nhà máy mà thay vào đó ưu tiên cho việc quy hoạch, các dự án xây dựng các công trình Thể thao, sân bóng... phục vụ nhu cầu cốt yếu của người dân tại mỗi địa phương tham gia tập luyện TDTT.
Để khắc phục, tháo gỡ những tồn đọng nêu trên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội trong thời gian tới phải đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tìm nguồn lực bổ sung thúc đẩy phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Thủ tướng tỏ rõ sự đồng thuận với bản tham luận của đại biểu Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội khi bàn về việc quản lý, khai thác các công trình TDTT. Thủ tướng khuyến khích và ủng hộ chủ trương một số các công trình, cơ sở vật chất của Thể thao do các cơ quan quản lý nhà nước quản lý nên chuyển sang hình thức xã hội hoá, để các doanh nghiệp có cơ hội góp vốn, phát triển khai thách hiệu quả các công trình Thể thao. Một phần để đảm bảo nguồn thu, phần kích thích sự phát triển nhằm đáp ứng trước những nhu cầu vui chơi, tập luyện và thi đấu Thể thao của quần chúng nhân dân.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đối với Thể thao thành tích cao, ngành TDTT nước nhà cần có các kế hoạch phát triển cụ thể đối với các môn Thể thao trọng điểm (thi đấu tại Olympic và Asiad). Nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng tài năng Thể thao góp phần nâng cao thành tích Thể thao trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị, chiến lược và quy hoạch về phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2020. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động Thể thao quần chúng.
N.H ghi