|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VDuy ) |
Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, công tác Lễ hội năm 2016 đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, một số những tồn tại, hạn chế của các mùa lễ hội cũ vẫn chưa được khắc phục. Hầu hết Ban quản lý di tích, Ban quản lý lễ hội các địa phương đã tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa lễ hội, các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội nên tình trạng ùn tắc, chen lấn, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch trong di tích, lễ hội, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan, ăn xin ăn mày giảm đáng kể. Uỷ ban Nhân dân nhiều tỉnh/thành đã ban hành được quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác phát huy giá trị di tích, áp dụng thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh/thành.
Công tác thanh kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng được Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành quan tâm và tăng cường. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được thực hiện theo kế hoạch và tiến hành đột xuất, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội đạt hiệu quả cao. Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời phản ánh những mặt được và chưa được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, tồn đọng nhất định trong công tác quản lý và tổ chức Lễ hội: Cụ thể, những bất cập tồn tại ở các lễ hội trong năm qua vẫn bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức, đặc biệt vẫn để xảy ra những biểu hiện tiêu cực như “chọi trâu”, “ném tiền”, “cướp lộc”, “chen lấn”, “xô đẩy”... Đơn cử, trong năm 2016, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán; Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc; Thanh tra Sở VHTT tỉnh Kiên Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội kỷ niệm 148 năm ngày sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực như trò chơi điện tử, bán dạo trò chơi... Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội), huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang)...
|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VDuy ) |
Bên cạnh yếu tố bạo lực tại một số Lễ hội vẫn còn xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong Lễ hội, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền, tiền giọt dầu không đúng quy định, hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại Đền Trần (Nam Định); tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn thuê Đền Bà Chùa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)…. Một số lễ hội lớn vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong lễ hội, vẫn còn để xảy ra hiện tượng bẻ cành cây, xả rác thải bừa bãi, nước thải gây mất vệ sinh, mỹ quan của lễ hội như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) và một số lễ hội Nghinh Ông ở một số tỉnh ven biển.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường một số di tích chưa tốt, rác thải chưa được thu gom kịp thời; chất lượng các nhà vệ sinh về cơ bản chưa đạt chuẩn, thậm chí một số di tích có nguồn thu lớn, lượng khách đông, nhà vệ sinh đã xây dựng từ lâu, đến nay xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng không đảm bảo như như Đền Bà Chúa Kho, Đền Và, Đền Đức Thánh Cả…
Đánh giá cao các địa phương trong công tác tổ chức Lễ hội năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: Lễ hội là di sản văn hóa, là nơi sinh hoạt, lưu lại giá trị truyền thống tốt đẹp. Mỗi Lễ hội có giá trị văn hóa riêng, chứa đựng trong đó tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, hướng tới khát vọng tốt đẹp, quốc thái dân an, cầu mong những điều tốt lành để mỗi người trong cộng đồng có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Lễ hội là nơi con người về với cội nguồn, lịch sử, quê hương, cha ông, hòa hợp tự nhiên, vạn vật và lễ hội bao giờ cũng gắn với di tích, bảo tồn, phục dựng di sản tốt đẹp.
Vì vậy, việc tổ chức lễ hội, theo Bộ trưởng, cũng cần hướng đến giá trị kinh tế, du lịch. “Nhiều địa phương tổ chức lễ hội để thu hút nhiều khách du lịch là rất cần thiết và chính đáng. Cho nên, tổ chức lễ hội để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội nhưng cũng cần trên cơ sở tổ chức phát triển kinh tế. Đó là điều rất cần thiết”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn, trong thời gian tới các cấp quản lý từ cơ sở, tới trung ương hãy vào cuộc, có cách tổ chức hợp lý, tập trung tuyên truyền hướng đến văn minh lễ hội phải dần dần trở thành ý thức của người dân. Công tác tổ chức lễ hội dần dần đi vào nề nếp.
Trước những tồn đọng từ năm 2016 trong công tác tổ chức quản lý lễ hội, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan, trực tiếp quản lý tại mỗi cơ sở, tỉnh, thành cần tuyệt đối ngăn chặn hiện tượng xấu, tiêu cực, phản cảm làm ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của mỗi Lễ hội. Dừng cấp phép cho những lễ hội có các biểu hiện nêu trên. Đối với những lễ hội còn yếu tố bạo lực, cần tổ chức đối thoại với cộng đồng, các nhà khoa học phải vào cuộc để bạo lực phản cảm dần dần được loại bỏ.
Với vấn đề vệ sinh môi trường, theo Bộ trưởng cũng phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, cần xã hội hóa mạnh mẽ công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di tích tổ chức lễ hội để tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, vấn đề an ninh an toàn rất quan trọng trong mùa Lễ hội, dù các mùa Lễ hội đều chưa xảy ra điều gì nhưng nguy cơ là rất cao. Vì thế các cơ quan quản lý phải luôn ý thức, tìm hiểu, phát hiện và nhanh chóng có biện pháp ứng phó. Vì thế các địa phương, phải thực hiện tốt mô hình chính quyền phối hợp với cộng đồng để làm cho tốt, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh lễ hội. Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khi phát biểu tại Hội nghị lần này.
N.H