Bắt đầu tham gia Thế vận hội lần đầu tiên tại Thế vận hội lần thứ XXII tại Maxtcơva vào năm 1980 cho đến năm 1996, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự tham dự 4 kỳ Đại hội Olympic, tuy nhiên vì đấu trường Olympic là sân chơi quá lớn đối với các vận động viên Việt Nam nên trong 3 kỳ Đại hội đầu tiên tham dư với mục đích tạo điều kiện cho các vận động viên có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm cũng như rèn luyện bản lĩnh thi đấu.
Cho đến năm 2000, với 7 vận động viên tham gia tranh tài tại Đại hội Olympic Sydney tại Úc, đoàn Thể thao Việt Nam đã lập dấu ấn mới, đánh dấu sự trưởng thành của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic khi ghi danh vào những quốc gia giành huy chương tại Đại hội Olympic với tấm huy chương Bạc của võ sĩ Trần Hiếu Ngân - Taekwondo. Đây là tấm huy chương đầu tiên của Thể thao Việt Nam giành được sau 5 lần tham gia tranh tài tại Đại hội Olympic.
Tiếp nối những thành công, năm 2008, Đại hội Olympic được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Việt Nam cử 13 VĐV đi thi đấu ở các môn: Điền kinh, Bơi, Bóng bàn, Bắn súng, Taekwondo, Cử tạ, Cầu lông, Thể dục dụng cụ. Kết quả, giành 1 HCB từ môn cử tạ của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56 kg nam. Kết quả này giúp Thể thao Việt Nam xếp hạng thứ 71/204 nước tham gia.
|
Đoàn TTVN tại Olympic Rio 2016 (Ảnh: Internet) |
Đặc biệt tại Đại hội Olympic Bazil 2016, đoàn Thể thao Việt Nam đã mở ra trang sử mới khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc mang về 1 huy chương và 1 huy chương bạc. Thể thao Việt Nam Kết thúc Olympic 2016, Thể thao Việt Nam xếp hạng 48 chung cuộc. Đây là thành tích tốt nhất của TTVN ở sân chơi này từ trước đến nay. Thứ hạng của Việt Nam xếp trên một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Singapore, Philippines. Đây cũng là năm Vàng khi Thể thao người khuyết tật của Thể thao Việt Nam cũng thi đấu xuất sắc khi giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Đó là sự kết tinh và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các vận động viên Việt Nam trong suốt những năm qua, mang đến niềm tự hào và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở đấu trường châu lục, bắt đầu tham dự Đại hội thể thao châu Á từ năm 1982 tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ IX tại New Dehli - Ấn Độ, trải qua 8 kỳ Đại hội thể thao châu Á, thành tích của Thể thao Việt Nam cũng từng bước được khẳng định, nhất là ở những môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic như Điền kinh, Đua thuyền, Taekwondo, Vật,… Những gương mặt như Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi), Thạch Kim Tuấn (Cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông), Lê Quang Liêm (Cờ Vua),... hiện đang là điểm sáng của Thể thao Việt Nam trong các giải châu Á và quốc tế. Còn tại Đại hội thể thao của khu vực, Thể thao Việt Nam vẫn giữ vững vị trí TOP đầu của khu vực với những thành tích đáng nể và phá vỡ nhiều kỷ lục SEA Games.
Không chỉ phát triển ở thể thao thành tích cao, Ủy ban OLympic Việt Nam còn đóng góp không nhỏ cho công cuộc vận động đăng cai và tổ chức các đại hội thể thao ở Việt Nam. Mặc dù lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games năm 2003, nhưng Việt Nam đã khiến bạn bè phải ngưỡng mộ về công tác tổ chức khá hoàn hảo. Đó chính là tiền đề để Hội đồng Olympic châu Á (OCA) quyết định giao quyền đăng cai Asian Indoor Games lần thứ 3 năm 2009 cho Việt Nam và Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) 2016. Sự tin tưởng đó đã được đặt đúng chỗ khi AI Games 3, ABG 5 được bạn bè quốc tế và giới truyền thông khen ngợi hết lời về công tác tổ chức, sự đón tiếp cũng như công tác chuyên môn…
Trong công tác quan hệ hợp tác quốc tế, Ủy ban Olympic Việt Nam đã được Ủy ban Olympic thế giới (IOC) tuyên dương là một trong ba quốc gia điển hình trên thế giới có nhiều hoạt động hiệu quả nhất. Tại các Hội nghị Olympic này, uy tín và vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam ngày càng được đề cao, trở thành một lực lượng tích cực của Phong trào Oympic quốc tế, do đó đã tranh thủ được sự ủng hộ của IOC và các Liên đoàn Thể thao quốc tế về mặt tài chính và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.
Trong suốt chiều dài 40 năm qua, với sự cố gằng nỗ lực của tất cả cacs thành viên qua các thời kỳ, sự hợp tác và phối hợp khá nhuần nhuyễn giữa Ủy ban Olympic Việt Nam với các Liên đoàn, Hiệp hội và các Tổ chức thể thao Nhà nước, Ủy ban Olympic Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nêu cao được uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Uỷ Ban Olympic Việt Nam và Huân chương Lao động hạng Nhì nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành Thể dục Thể thao Việt Nam.Ủy ban Olympic Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và củng cố đã đoàn kết, quy tụ các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia theo hướng xã hội hóa, mở ra một triển vọng về mô hình mới của tổ chức thể thao xã hội thống nhất của nước ta trong thiên niên kỷ mới.
KC (tổng hợp)