Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và khách mời là các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực báo chí, truyền thồng. Tại đây, đã có khá nhiều ý kiến đóng góp rất bổ ích từ phía các chuyên gia, đại diện các cơ quan truyền thông, chính điều này đã mang lại những hữu ích nhất đối với việc xây dựng, hoàn thiện khung chiến lược truyền thông của ngành Văn hóa, Thể thao, du lịch và gia đình giai đoạn 2017-2020.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/19131/19131_26705.jpg) |
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Văn Duy) |
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nhận định: “Trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác mà Đảng, Chính phủ giao phó, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Để có được những thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông.
Truyền thông có chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Trong xã hội hiện đại, truyền thông trở thành hoạt động kết nối cộng đồng, là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, giữa trung ương với địa phương, giữa trong nước và quốc tế. Thông tin trên các phương tiện truyền thông đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan nhà nước điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ đó thúc đẩy quá trình phản ánh, giám sát - phản biện xã hội; tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện quyền tự do ngôn luận và bình đẳng của mọi người dân...
![](/Portals/0/EasyDNNNews/19131/19131_26706.jpg) |
Toàn cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: Văn Duy) |
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội và sự phát triển của hoạt dộng truyền thông trên toàn thế giới. Ở Việt Nam trong khoảng một vài thập kỷ gần đây, sự chuyển đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường kéo theo nhu cầu về dịch vụ truyền thông và các dịch vụ liên quan đến truyền thông. Số lượng các cơ quan, tòa soạn báo chí, cơ sở thông tin - truyền thông vì thế cũng không ngừng tăng lên và ngày càng đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho rằng: để truyền thông phát huy được thế mạnh, đóng góp tích cực trong công tác quản lý nhà nước ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng Khung Chiến lược truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chương trình Tọa đàm lần nay là bước đầu trong việc tìm hiểu, lắng nghe các ý kiến chuyên gia trong việc xây dựng Khung Chiến lược truyền thông của Ngành. Thông qua Tọa đàm với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực truyền thông, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, góp ý để làm căn cứ xây dựng Khung Chiến lược truyền thông Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách bài bản, khoa học và khả thi trong thời gian tới.
Với 14 tham luận được các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm hầu hết đều tập trung vào ba nhóm vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc thực tại trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông về văn hóa, du lịch, thể thao, gia đình và phương hướng tiếp cận truyền thông trong giai đoạn tiếp theo; Những bài học kinh nghiệm về truyền thông quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khi nói về công tác truyền thông trong lĩnh vực Thể dục Thể thao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến đã chia sẻ: Để làm tốt công tác truyền thông trong lĩnh vực Thể dục Thể thao cần sự thay đổi từ nhận thức tới phương pháp truyền thông. Hiện nay, hầu hết ở bất kỳ một tờ báo nào (báo giấy, báo điện tử) hay kênh truyền hình, đài tiếng nói đều có chuyên mục về Thể thao, điều này cho thấy sự quan trọng và sức hút của Thể thao tới công chúng là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác truyền thông về Thể thao, đặc biệt là các cơ quan truyền thông của ngành vẫn hoàn toàn mang tính tự phát, vẫn hoạt động và đi theo một lối phát triển chưa mới để có thể phục vụ được thị yếu của người hâm mộ cũng như phản ánh, quảng bá về các thế mạnh, sự phát triển của Thể thao Việt Nam tới bạn bè quốc tế....
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo đã có những tham luận, chia sẻ rất giá trị. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng trong sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình rất cần tới sự song hành và sát cánh của công tác truyền thông. Chính vì vậy công tác truyền thông chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
N. H