Nhiều hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

Chiều 22/9, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra buổi họp báo về các hoạt động kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (01/10/1876-01/10/2016). Chủ trì buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện UBND tỉnh Quảng, Nam, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, các Bộ, Ban, ngành cùng đông đảo phóng viên các báo, đài.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Y Trang )

Tại buổi họp báo, BTC cho biết các hoạt động kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, gồm: lễ viếng dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước); lễ viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Núi Thiên Ân huyện Sơn Tịnh và Khu lưu niệm Ủy ban kháng chiến  - Hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; tổ chức hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”, xây dựng phim tài liệu “Huỳnh Thúc Kháng - Thân thế và sự nghiệp”; sưu tầm tư liệu, hiện vật và phát động thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng; triển lãm trưng bày hình ảnh, hiện vật về cụ Huỳnh Thúc Kháng …

Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng là lễ mit tinh được tổ chức vào ngày 1/10/2016 tại Hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam. Đây là lễ kỷ niệm có quy mô cấp quốc gia với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, khách mời trong và ngoài tỉnh. Chương trình lễ kỷ niệm sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: Y Trang)

Các hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định, tôn vinh trí tuệ, đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; tri ân những công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đồng thời, phát huy và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Thông qua các hoạt động kỷ niệm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiểu hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với đất nước, dân tộc.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh), sinh ngày 01/10/1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiền Giang, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Trong suốt cuộc đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945: cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân, góp phần khơi dậy phong trào yêu nước rộng khắp, mở ra cách thức cứu nước mới cho dân tộc. Với cương vị là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sử dụng Viện Dân biểu như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị, cải cách dân chủ, dân sinh, thực thi dân quyền, đảm bảo lợi ích dân tộc. Bên cạnh đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn tập trung sáng tác thơ, văn, viết báo, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân – một tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung Kỳ. Báo Tiếng dân đã góp phần quan trọng tuyên truyền giáo dục quần chúng tích cực đấu tranh chống thực dân phong kiến, đòi quyền lợi cho dân, cho nước.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945: Cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ, rồi giữ cương vị quyền Chủ tịch nước trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Mính sang Pháp. Tiếp đến cụ giữ cương vị là chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam; Đặc phái viên Chính phủ tại miền Trung.

VD

Ảnh trong bài
  • Nhiều hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng