Góp ý dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị đã chủ trì buổi làm việc với Bộ VHTTDL, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Lao động thương binh và xã hội để góp ý kiến về dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam..

Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gồm hai phần: thực trạng phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1990-2015, những tồn tại nguyên nhân và bài học kinh nghiệm và phần II - Định hướng phát triển du lịch Việt Nam. Dự thảo lần này cũng đã được chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương góp ý cách đây gần hai tháng.

Trong bản dự thảo Đề án, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như: nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tái cơ cấu ngành theo quy luật thị trường; xây dựng khuôn khổ pháp luật và nâng cao năng lực bộ máy ngành du lịch; tăng cường quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư hình thành các khu vực phát triển du lich động lực; tăng cường nguồn lực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch và tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cho rằng Đề án cần tiếp tục khẳng định rõ quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không phải tỉnh, thành phố nào cũng coi du lịch là mũi nhọn mà chỉ tập trung ở các tỉnh, thành, vùng có lợi thế về du lịch; phân định các công việc về phát triển du lịch mà Nhà nước phải làm hay xã hội, tư nhân phải làm; xây dựng, phát triển ngành du lịch phải gắn kết chặt chẽ với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc góp ý dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh:bvhttdl)
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để hoàn thiện Đề án trước khi trình Ban cán sự Đảng, Chính phủ cho ý kiến, cơ quan soạn thảo Đề án cần phải thể hiện rõ được các nguồn lực về thể chế, chính sách, tài chính, các giá trị văn hóa tinh thần để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tiễn hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, cào bằng, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch. Đơn giá điện phục vụ cho du lịch thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…

Cần nhận thức rõ sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là chưa có thể chế tốt về quản lý và phát triển du lịch theo sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường. Làm rõ được thể chế, chính sách cho ngành du lịch phát triển được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ coi là điểm đột phá mà Đề án phải đạt được.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ VHTTDL tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn tới năm 2030, đồng thời nhấn mạnh Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua Đề án này như một cơ hội “có một không hai” để vực dậy ngành du lịch mà nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành phải dựa trên 3 trọng điểm là: Hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

KC

Ảnh trong bài
  • Góp ý dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn