Bộ VHTTDL: công bố các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đặc sắc trong thời gian tới

Sáng nay 22/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vương Duy Biên đã chủ trì buổi họp báo công bố kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu từ cuối tháng 8/2016 và trong giai đoạn tiếp theo. Cùng dự về phía BTC có ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn.

Các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đặc sắc được Bộ VHTTDL công bố lần này nhằm phục vụ công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô và cả nước, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các đơn vị nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm chất lượng cao đến với công chúng yêu nghệ thuật cả nước. 

BTC trả lời các câu hỏi của phóng viên, nhà báo (Ảnh: NN)
Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, mục đích việc tổ chức các sự kiện nhằm đưa Nhà hát lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hoá tiêu biểu để khán giả trong nước và quốc tế thường xuyên đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi. Đồng thời nhấn mạnh, các chương trình trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ có nghệ thuật bác học mà còn có các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ông hy vọng việc tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật chất lượng cao này sẽ tạo trách nhiệm, khát vọng cho các nghệ sĩ nhằm xây dựng nhiều hơn những tác phẩm phục vụ người dân trong thời kỳ đổi mới.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho hay: Việc tổ chức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đặc sắc diễn ra trong thời gian tới không chỉ giúp khán giả có cơ hội thưởng thức nghệ thuật trong không gian văn hóa sang trọng bậc nhất Thủ đô, chuỗi các chương trình này còn được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là một trong những hoạt động giúp đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng.

Được biết, chi phí hoạt động của chương trình sẽ không lấy từ nguồn ngân sách nhà nước mà lấy từ việc kêu gọi tài trợ và nguồn thu từ bán vé. Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ đảm nhận nhiệm vụ quảng bá các chương trình nghệ thuật cũng như việc phát hành vé. Từ năm 2017, các chương trình này sẽ được biểu diễn đều đặn vào hai ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: NN)
Mở màn cho kế hoạch biểu diễn sau khi mở rộng Nhà hát lớn sẽ là ba chương trình, tác phẩm chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2/9.

Tối 30/8 là chương trình “Hoà nhạc giao hưởng đặc biệt” do dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thực hiện với: Khúc khởi nhạc chào mừng của GS. Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng; Aria “Largo al factotum”- trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng “Người thợ cạo thành Seviglia”; Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; Bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ...

Tối 31/8, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn vở kịch nói “Biệt đội áo đen” của nhà văn Chu Lai. Nội dung tác phẩm phản ánh cuộc đi tìm nhân cách, bản ngã, lương tri con người kéo dài suốt từ chiến tranh sang hoà bình; dù thời đại nào đi nữa thì sự thật và công lý vẫn luôn được bảo vệ, không bao giờ bị bóp méo.

Chương trình thứ ba vào tối 1/9 là chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” do Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện. Năm cung chèo của chương trình sẽ là bức tranh đầy màu sắc của những số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật chèo, giới thiệu nét đẹp nghệ thuật dân gian truyền thống có từ lâu đời của người Việt.

Cũng trong tháng 9 tới, tại Nhà hát lớn còn công diễn các tác phẩm: Công lý không gục ngã - Nhà hát Tuổi trẻ (10/9), Nhịp điệu quê hương - Nhà hát Múa rối Việt Nam (21/9), Vũ điệu Hoa Quỳnh – Nhà hát Múa rối Việt Nam (28/10), Hòa nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực – Nhà hát Tuồng Việt Nam (30/10), Vua Thánh Triều Lê – Nhà hát Cải lương Việt Nam (31/10), Nghêu, Sò, Ốc, Hến – Nhà hát Tuồng Việt Nam (7/11), Xúy Vân – Nhà hát Chèo Việt Nam (27/11), Hương sắc Việt Nam – Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (30/11), Ballet cổ điển Kẹp hạt dẻ - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (9/12), Hamlet – Nhà hát Kịch Việt Nam (14/12), Nếp nhăn và Nụ cười – Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (15/12), Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt II – Dàn nhạc Giao hưởng Việt Bam (16/12), Ai là thủ phạm – Nhà hát Tuổi trẻ (25/12).

N.H
 

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL: công bố các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đặc sắc trong thời gian tới