TDTT quần chúng: đặt mục tiêu đạt số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29%
Xác định TDTT quần chúng là nền tảng phát triển của mỗi nền thể thao. Năm 2016, toàn ngành TDTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu, rộng trên toàn quốc bằng việc đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đề ra là phấn đấu trong năm 2016 sẽ đưa số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29%, số gia đình tập luyện TDTT đạt 21%.
Phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phối hợp phát triển TDTT quần chúng nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân. lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người khuyết tật,... Trong đó, tập trung phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc chỉ đạo các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường, đặc biệt đưa bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và Võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông từ năm học 2015-2016 nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc cho các em học sinh.
|
Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng trao Bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc năm 2015. Ảnh: V.Duy |
Bên cạnh đó, sẽ tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV thể thao người khuyết tật tham dự Paralympic 2016 tại Brazil, giải vô địch Bơi người khuyết tật châu Âu mở rộng - IPC, giải vô địch Điền kinh người khuyết tật châu Âu mở rộng - IPC và giải vô địch Cử tạ người khuyết tập World Cup...
Cũng trong năm 2016, phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2015 về chương trình Nông thôn mới, ngành TDTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhiệm vụ chuyên môn cho trọng tài, HLV, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công tác TDTT quần chúng trên cả nước; Đồng thời, ngành TDTT sẽ nghiên cứu để tham mưu xây dựng các bài tập thể dục chống mệt mỏi cho các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Thể thao thành tích cao: đổi mới cách thức tổ chức các giải vô địch quốc gia
Năm 2016 là năm bận rộn của thể thao thành tích cao khi vừa chuẩn bị lực lượng tham gia tranh tài tại 3 Đại hội thể thao quốc tế lớn, gồm: Thế vận hội Olympic 2016 tại Brazil, Đại hội thể thao trẻ em châu Á tại Nga và Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Việt Nam vừa tập trung triển khai các nhiệm vụ để tổ chức thành công Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5.
Để đạt được mục tiêu giành thành tích cao tại các Đại hội thể thao quốc tế lớn, năm 2016, Tổng cục TDTT sẽ tiến hành cử 49 lượt đội tuyển tham gia các chuyến tập huấn ngắn hạn và dài hạn tại các quốc gia có nền thể thao phát triển, như: đội tuyển Cầu lông tập huấn tại Indonesia, đội tuyển Judo tập huấn tại Hungary, đội tuyển Taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc hay đội tuyển Boxing, Bơi, Bắn súng tập huấn tại Mỹ,... Bên cạnh đó, sẽ cử các VĐV tham gia thi đấu ở 207 giải thể thao quốc tế.
Đối với các hoạt động thể thao thành tích cao trong nước, Tổng cục TDTT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức 191 giải vô địch quốc gia và 26 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Tiến hành tổ chức 48 lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các HLV, Trọng tài. Phối hợp với Liên đoàn Bóng đá chỉ đạo các đội tuyển Bóng đá tham gia thi đấu đạt kết quả tốt tại các quốc tế cũng như tổ chức tốt V-League 2016.
Tuy nhiên để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lực lượng VĐV tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế lớn trong năm 2016, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng chỉ đạo: Vụ Thể thao thành tích cao cần triển khai đổi mới cách thức, mô hình tổ chức các giải vô địch quốc gia nhằm thu hút đông đảo người dân quan tâm, cổ vũ cho giải đấu này, có như vậy mới đẩy mạnh được công tác xã hội hoá cho các hoạt động thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa tính tự chủ của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng như thay đổi cách thức quản lý đối với các chuyên gia để đưa thể thao Việt Nam giành được những thành tích cao trên đấu trường thể thao quốc tế.
Ngoài 2 nhóm nhiệm vụ trên, trong năm 2016, toàn ngành TDTT sẽ tập trung triển khai công tác xây dựng đề án, vản bản; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật TDTT và các Nghị định hướng dẫn Luật TDTT; Hoàn thiện các Đề án lớn của ngành và nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về TDTT với các nước có nền thể thao phát triển mạnh ở châu Á, châu Âu. Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ Tổng cục và của các đơn vị trực thuộc Tổng cục; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, y học phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung vào tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng thực hiện ISO 9001:2008 trong quản lý hành chính nhà nước tại các đơn vị trực thuộc.
Với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng mong muốn, các cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT sẽ đoàn kết, phát huy sự sáng tạo, chủ động trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra.
KC