|
Triển lãm sách và tư liệu kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam do Bộ VHTTDL tổ chức (Ảnh:Chính phủ.vn) |
Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ.
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946 với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên, bất chấp sự chống phá của các thế lực xâm lược và chống đối. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cho ra đời những sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử là cơ sở pháp lý nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, thực sự dân chủ. Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp như nước Việt Nam ta hồi bấy giờ. Các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã có những quy định thể hiện một cách triệt để nội dung, yêu cầu nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân. Các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta thể hiện triệt để ngay nội dung, yêu cầu các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, với hàng nghìn đại biểu Quốc hội được cử tri, nhân dân cả nước lựa chọn, bầu ra, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh các chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, một hoạt động ngày càng trở nên quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đó là các hoạt động đối ngoại Quốc hội. Đánh dấu sự thành công vượt bậc trong 70 năm hoạt động đối ngoại của Quốc hội, đó chính là việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) 132 vào đầu năm 2015 vừa qua.
Trong bối cảnh phát triển mới sắp tới, giai đoạn tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới để đảm bảo thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, hiện đại. Đó chính là tư tưởng , tinh thần của một Quốc hội vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc được hun đúc suốt chiều dài lịch sử 70 năm qua.
Nhấn mạnh về ý nghĩa sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946- 6/1/2016) , ông Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân cùng ôn lại ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ghi nhận thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội đã đạt được trong 70 năm qua, khẳng định vị thế của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Nhiều họat động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức như cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Tuyên Quang – TP HCM (tối 4/1) nhằm ôn lại truyền thống, tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng Việt Nam, tuyên truyền và giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước về quá trình 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Chương trình nghệ thuật kỷ niệm với chủ đề “Vinh quang Quốc hội Việt Nam” diễn ra vào tối 5/1.
Tại các địa phương trong cả nước cũng đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam như: tại Ninh Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức gặp mặt truyền thống các thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ. Đoàn đại biểu Quốc hội; Thành phố Cần Thơ tổ chức gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Bạc Liêu họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016; Tại Bến Tre, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An qua các thời kỳ đã dự gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã dự gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khóa XIII tổ chức; Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ đã ôn lại truyền thống 70 năm của Quốc hội Việt Nam....
Trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ở các bộ, ngành trung ương và các địa phương, trong đó nổi bật là cuộc triển lãm sách và tư liệu kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức.
Tại Triển lãm, Ban Tổ chức lựa chọn và trưng bày hơn 1.000 đơn vị tư liệu tiêu biểu về Quốc hội Việt Nam với mục đích tái hiện lại những năm thánglịch sử, quá trình hoạt động và những thành tựu to lớn mà Quốc hội và nhân dân ta đã đạt được trong 70 năm qua. Các tư liệu này phần lớn đã được xuất bản thành sách, đăng tải trên các báo, tạp chí. Đặc biệt là mảng tư liệu phim, ảnh được xem là chứng cứ gốc vô cùng quan trọng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Quốc hội.
Thông qua các bộ sách, công trình nghiên cứu, các bài trích, thước phim, ảnh tư liệu, Triển lãm “70 năm Quốc hội Việt Nam” là dịp để công chúng hiểu sâu sắc hơn về Quốc hội Việt Nam - Cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước. Cũng qua Triển lãm, bạn đọc sẽ hiểu biết thêm về nguồn tư liệu phong phú, đa dạng có tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam.
Các tư liệu của Triển lãm sẽ được trưng bày theo 4 nội dung: Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam; Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp đổi mới đất nước; Quốc hội Việt Nam qua các kỳ bầu cử.
Triển lãm “70 năm Quốc hội Việt Nam” sẽ diễn ra từ 4/1 đến hết ngày 12/1/2016.
|
A.T