Ngành VHTTDL tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015

Ngày 31/12/2015, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015 tại 5 điểm cầu, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, riêng Hà Nội có 3 điểm cầu gồm trụ sở Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị diễn ra dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh.

Theo báo cáo về kết quả hoạt động công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 nêu rõ, năm 2015 với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, Ngành VHTTDL đã thực hiện thắng lợi các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và các mục tiêu đề ra. Trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường trực BTC cấp quốc gia các ngày Lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm ngày lễ lớn diễn ra sôi nổi, ấn tượng đạt hiệu quả cao.

Công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai chủ động, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực có nhiều sai phạm, nhất là trong tổ chức, quản lý lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa...được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo và triển khai đồng bộ, gắn với công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" phát huy hiệu quả tốt.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đạt được thành công mới, hiệu quả thiết thực trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài, góp phần vào thành tích chung của ngoại giao Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.       

Toàn cảnh đầu cầu tại Tổng TDTT (Ảnh: Văn Duy)
Về Văn hóa, gia đình

Công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, hoạt động văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn ngày càng tiến bộ về chất lượng nghệ thuật và năng lực tổ chức, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là chiến sỹ, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay cả nước có 22 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015 có 10 di sản được UNESCO ghi danh. Nhiều di sản được đầu tư tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị tốt, trở thành những điểm đến du lịch có uy tín trong nước và quốc tế như: Vịnh hạ long, Trang An, Cô đô huế...

Công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân đã có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt hiệu quả tốt, mang tính đột phá. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.

Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW "về xây dựng và phát triển vawnhoas, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", với chủ đề "Xây "dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình", công tác gia đình các cấp đã được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Về Thể dục, Thể thao

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng, với nhiều nội dung hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại". Tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia. Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được quan tâm và đầu tư đúng mức. Tham dự các giải thể thao quốc tế năm 2015, các vận động viên Việt Nam đã giành được 475 Huy chương Vàng, 355 Huy chương Bạc, 321 Huy chương Đồng. Các môn thể thao Olympic như Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ... tiếp tục đạt được thành tích cao tại đấu trường khu vực, Châu Á và thế giới.

Đặc biệt, tham dự SEA Games 28 tại Singapore, Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra, giành được 186 huy chương, trong đó có 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, xếp hạng 3/11 quốc gia tham dự. Trong tổng số 73 huy chương vàng, có 64 huy chương vàng ở 12 môn thể thao Olympic, chiếm tỷ lệ 87.7%. Một số môn thể thao và vận động viên đạt thành tích xuất sắc, xác lập 12 kỷ lục SEA Games. Những thành tích xuất sắc của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn về định hướng tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu của Asiad và Olympic trong những năm qua. 

Ở lĩnh vực Du lịch

Công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được hoàn thiện; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới tại Nghị quyết số 92 của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành, các doanh nghiệp trong việc triển khai Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại hiệu quả quan trọng, kiềm chế đà sụt giảm 13 tháng liên tiếp và dần phục hồi đà tăng trưởng của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Kết quả, năm 2015 du lịch Việt Nam ước đón gần 8 triệu lượt khách quôc tế (tăng 0,9%), phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 337.830 tỷ đồng (tăng 6,2% so với năm 2014). Hiệu quả kinh doanh du lịch vai trò đóng góp của du lịch nội địa ngày càng thể hiện rõ nét với tổng thu từ du lịch lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng có tính đột phá của lượng khách du lịch nội khẳng định hiệu quả rõ rệt của Chương trình cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam".

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong năm 2015, Ngành VHTTDL vẫn còn tồn tại những tồn tại, hạn chế đòi hỏi toàn Ngành tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới như: Công tác tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa; công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công tác quản lý các di sản thế giới; công tác quản lý và chẩn chỉnh sai phạm trong thi người đẹp trong nước và quốc tế; công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao; việc vận hành, khai thác các thiết chế, công trình thể thao sau khi tổ chức các sự kiện thể thao; viêc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được trong năm 2015, kết quả này đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, công bằng xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đồng thời, trong năm 2015, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đã làm rất tốt, được quốc tế ghi nhận.

Phó Thủ tướng đánh giá trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2015 vừa công bố đã góp phần thể hiện những nhìn nhận mới trong điều hành của Ngành trong năm qua. Đó là lần đầu tiên công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vinh danh các báu vật nhân văn sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau nhiều năm xây dựng, thống nhất các tiêu chí. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực điện ảnh cũng có sự đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí hợp lý để cho ra mắt bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất tạo được tiếng vang về chất lượng nghệ thuật, hiệu ứng xã hội và hiệu quả kinh tế. Đây là những việc làm cần tiếp tục được phát huy trong những năm tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ngành VHTTDL tiếp tục nỗ lực hành động để toàn xã hội có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chuẩn mực về văn hóa và phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Phó Thủ tướng khẳng định: Để bảo tồn cũng như phát triển văn hóa Việt Nam mang đậm đà bản sắc dân tộc đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần có sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, làm liên tục ở mọi nơi, mọi lúc và quan trọng là sự đồng thuận của quần chúng nhân dân từ thành thị đến nông thôn, dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành văn hóa phải vào cuộc với tâm thế của người văn hóa, phải hết sức tỉ mỉ, chi tiết và thực chất. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của toàn ngành. Trong năm 2016, Phó Thủ tướng mong muốn tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, tập trung giải quyết trước những việc dư luận xã hội quan tâm, đưa toàn ngành văn hóa, thể thao du lịch phát triển hơn nữa.

Sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội nghị đã lắng nghe 16 ý kiến phát biểu của các đơn vị, địa phương. Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý các hoạt động của Ngành. Đồng thời, các ý kiến làm rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2015, tham gia đề xuất những giải pháp giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngành năm 2016 hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các kiến nghị, những đề xuất, sáng kiến của các đại biểu. Qua đó, khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền và tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến các hoạt động của Ngành.

Bộ trưởng khẳng định, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (2016-2020), tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển đã đề ra trong năm 2016 và tạo tiền đề căn bản phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, tích cực góp phần cùng Chính phủ và cả nước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã được Quốc hội thông qua. 

Đối với lĩnh vực TDTT, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; các Chiến lược, Quy hoạch, Đề án phát triển thể dục thể thao đã được phê duyệt...

Tổ chức thành công Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016. Tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm có trong chương trình Olympic, ASIAD. Chuẩn bị lực lượng, tham dự vòng loại Olympic, Paralympic 2016 tại Brazil, Đại hội Thể thao trẻ em Châu Á lần thứ 6 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8.12.2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14, 18 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực Du lịch, phấn đấu xây dựng Ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Nhân dịp này, 13 đơn vị trực thuộc Bộ vinh dự nhận được cờ thi đua xuất sắc của Chính Phủ trong năm 2015 (trong đó có Tổng cục TDTT). 39 đơn vị, sở VHTTDL các tỉnh được Bộ VHTTDL tặng cờ thi đua, 4 tập thể nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

N.H
 

Ảnh trong bài
  • Ngành VHTTDL tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015