Năm 2015, du lịch Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn tiếp nối từ cuối năm 2014 trước những biến động của bối cảnh quốc tế chưa có tiền lệ trong nhiều năm gần đây. Những biến động của tình hình thế giới, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khách du lịch quốc tế đã trực tiếp tác động làm sụt giảm lượng khách quốc tế trong suốt chuỗi thời gian 13 tháng (từ 6/2014 - 7/2015). Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch báo cáo kết quả công tác năm 2015
của ngành Du lịch (Ảnh: Văn Duy) |
Theo đó, các Nghị quyết của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp vĩ mô, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ du lịch nâng cao chất lượng cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo ngành Du lịch tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy nội lực, chủ động đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để phục hồi và phát triển. Lượng khác quốc tế đã phục hồi và tăng trưởng so với năm 2014, khách du lịch nội địa tăng trưởng ấn tượng, tổng thu từ khách du lịch được nâng cao. Nhiều sự kiện du lịch với quy mô lớn nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch được tổ chức.
Nhận thức của các địa phương về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao và chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương đã xã định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về du lịch nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cảu cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát hiện sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch và góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
Quy mô, tính chất của du lịch Việt Nam trên nhiều phương diện từng bước được mở rộng, nâng cao về chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa. Việc huy động vốn đầu tư, nguồn lực của các doanh nghiệp lớn được thực hiện hiệu quả. Sự tăng cường phối hợp, liên kết thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được ngành Du lịch triển khai từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Văn Duy) |
Nhiều khu du lịch, Resort, khách sạn với quy mô và chất lượng tầm cỡ quốc tế được hoàn thành đưa vào phục vụ đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực. Các doanh nghiệp du lịch ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng trong việc hình thành những động lực, thúc đẩy sự tăng trưởng, vượt qua khó khăn thách thức. Lực lượng lao dộng trực tiếp và gián tiếp cũng ngày càng được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp. Hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng được các địa phương quan tâm trên cả cấp độ liên vùng, liên ngành, trong đó các địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm ngày càng có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch vẫn còn những hạn chế về sức cạnh tranh trong khu vực; hệ thống chính sách và các cơ chế đặc thù cho ngành còn thiếu; đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá chưa tương xứng, nguồn lực còn hạn chế, bị phân tán. Công tác xây dựng đề án, quy hoạch định hướng, đề xuất chính sách phát triển mới còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa có nhiều tư duy đột phá chiến lược.
Sản phẩm du lịch chưa tạo ra nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả.
Một số thành tựu mới về điều kiện kiện hạ tầng phát triển như các hệ thống đường cao tốc mới được khánh thành, bên cạnh các lợi ích to lớn để phát triển kinh tế, xã hội các địa phương trên tuyến đường đã tạo nên sức ép đối với ngành du lịch khi lượng khách tăng đột biến, dịch vụ du lịch không đáp ứng kịp thời tạo nên tình trạng quá tải tại các điểm đến, kinh doanh lộn xộn, chất lượng dịch vụ xuống cấp.
Năm 2016, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Du lịch sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL phát huy nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của Bộ đa ngành, tận dụng thời cơ và điều kiện thuận lợi để duy trì sự phục hồi và tăng trưởng khách, sớm vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời tiếp tục định hướng phát triển có trọng tâm trọng điểm, có chiều sâu gắn với chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 92 của Chính phủ nhằm tạo động lực cho bước phát triển đột phá của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm. Năm 2016, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Du lịch đã đạt được trong năm qua, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết 92 của Chính phủ được ban hành vừa qua là điều kiện rất thuận lợi để ngành Du lịch phát triển trong thời kỳ mới và đề nghị ngành Du lịch cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 92 của Chính phủ. Trong thời gian tới, ngành cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong đó chú trọng tới công tác sửa đổi Luật Du lịch cùng hệ thống văn bản pháp lý liên quan tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động du lịch, đa dạng hóa thị trường, tăng cường liên kết trong phát triển du lịch, cải thiện cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua phát huy nguồn lực các doanh nghiệp, tạo sức hút thông qua các trọng điểm du lịch, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.
N.H