Nhìn lại 1 năm Thể thao Việt Nam

Năm 2015 đã khép lại với một năm đầy sôi động của thể thao nước nhà. Đây có thể nói là một năm thành công của Thể thao Việt Nam trên các phương diện thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng như trong công tác quản lý của ngành TDTT. Hãy cùng Trang tin điện tử TDTT Việt Nam điểm lại những dấu ấn quan trọng trong 1 năm qua của ngành TDTT nước nhà.

1. Nhiều Đề án, Thông tư quan trọng đã được xây dựng

Năm 2015, ngành TDTT đã triển xây dựng và hoàn thiện nhiều Đề án, Thông tư quan trọng làm cơ sở hành lang pháp lý trong việc phát triển các môn thể thao. Đơn cử như: Đề án quản lý sử dụng các công trình TDTT; Đề án Quy hoạch phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII-2018; Đề án đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động TDTT; Đề án phát triển các CLB TDTT cơ sở; Đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 năm 2021 tại Việt Nam. Cùng với đó là các Thông tư quy định về quản lý công trình thể thao; Thông tư quy định điều kiện hoạt động môn Lặn biển, Ô tô địa hình, Yoga và Golf. Các Đề án, Thông tư được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động Thể dục thể thao ở các địa phương trên cả nước.

2. Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"

Năm 2015 là năm thứ 3 toàn ngành TDTT thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020” và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2012-2020. Sau 3 năm triển khai, nền thể dục thể thao nước nhà đã tiếp tục có được những bước tiến vững vàng trên nhiều lĩnh vực, từ bề rộng tới chiều sâu, từ thể thao quần chúng tới thể thao thành tích cao, từ nâng cao hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật TDTT tới phát triển và nâng cao chất lực lượng TDTT tham gia các đấu trường quốc tế. Ở các địa phương, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã mang lại những kết quả khả quan cho việc phát triển phong trào TDTT cũng như thành tích thi đấu của các địa phương. Nhiều hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng, phong phú và diễn ra sôi nổi từ cấp Trung ương, tỉnh đến cơ sở, từ đó phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội.

3. Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030: những thành công ban đầu

Năm 2015 là năm thứ 4 thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Cũng trong năm 2015, ngành TDTT đã triển khai phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cũng như đưa môn Võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong tất cả các cấp học phổ thông kể từ năm học 2015-2016. Ngành TDTT đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng "chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020" và hướng dẫn bữa ăn học đường cho học sinh mầm non và tiểu học.

4. Ngày chạy Olympic: hơn 4 triệu người tham gia

Một trong những sự kiện quan trọng của Thể thao Việt Nam trong năm 2015 là sự kiện Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân được tổ chức với quy mô rộng khắp trên cả nước. Sự kiện này đã thu hút hơn 4 triệu người trên cả nước tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện tập thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, xây dựng thói quen tập luyện TDTT trong các tầng lớp quần chúng nhân dân. Hưởng ứng sự kiện này 7.923/11.153 xã, phường, thị trấn đã tổ chức Ngày chạy OLympic, chiếm tỷ lệ 71%; 332 quận, huyện, thị xã, thành phố và 05 trường Đại học thuộc Bộ tổ chức Ngày chạy OLympic, với khoảng 4.012.900 người thuộc mọi đối tượng trên cả nước đã trực tiếp tham gia chạy hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2015.

Những thành công từ sự kiện Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2015 đã trở thành tiền đề để ngành TDTT tiếp tục triển khai sự kiện này trong năm 2016 với mục tiêu đạt trên 5 triệu người tham gia.

5. Những dấu ấn của thể thao thành tích cao trên đấu trường thể thao quốc tế

Năm 2015 là năm đánh dấu sự thành công của thể thao Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế. Trong đó, nổi bật là tại SEA Games 28, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được 186 huy chương các loại, trong đó có 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, xếp hạng 3/11 quốc gia tham dự. Trong tổng số 73 HCV, có 68 HCV thuộc 13 môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic, ASIAD, chiếm tỷ lệ 93,1% (trong đó có 64 HCV ở 12 môn thể thao Olympic, chiếm tỷ lệ 87,7%). Cũng tại kỳ Đại hội này, các VĐV đã xác lập được 12 kỷ lục SEA Games (03 lục môn Điền kinh, 09 kỷ lục môn Bơi).

Năm 2015 cũng là năm đầy thành công của nhiều gương mặt VĐV trẻ trên đấu trường thể thao quốc tế, như: kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền (giành HCV giải Cờ vua trẻ thế giới lứa tuổi U8), tay vợt Lý Hoàng Nam (Quần vợt - Giành chức vô địch Wimbledon trẻ 2015 ở nội dung đánh đôi), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là một trong 5 kình ngư nữ hay nhất châu Á 2015 khi thi đấu xuất sắc, giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28; giành 7 HCV ở giải các nhóm tuổi châu Á; đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 1 kỷ lục tại Đại hội quân sự thế giới; thống trị đường bơi ở giải VĐQG với 16 HCV.

Cũng trong năm 2015, tin vui liên tiếp đến với Thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên Cử tạ nam Việt Nam giành 3 vé chính thức dự Olympic 2016. Thi đấu thành công tại giải vô địch thế giới 2015, cộng với thành tích đạt được tại giải vô địch thế giới 2014, đội Cử tạ nam Việt Nam có 93 điểm và xếp 20 chung cuộc. Theo quy định của Liên đoàn cử tại thế giới, ở nội dung đồng đội nam, các đội xếp từ 19-24 sau giải vô địch thế giới 2014 và 2015 sẽ có ba vé dự Olympic Rio 2016. Cử tạ đi vào lịch sử thể thao Việt Nam bởi các kỳ Olympic trước, chưa từng có môn nào có ba suất chính thức. Ngoài 3 suất chính thức của Cử tạ Việt Nam, Thể thao Việt Nam hiện đã có 3 suất chính thức dự Olympic Rio 2016, đó là: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường (Bắn súng).

BBT

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại 1 năm Thể thao Việt Nam