Bộ VHTTDL tổng kết chiến dịch truyền thông: “Chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái”

Sáng nay tại khách sạn Melia, Bộ VHTTDL đã tiến hành tổng kết chiến dịch truyền thông "Chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” sau hơn nửa tháng phát động chiến dịch này. Tới dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, bà Astris Bant trưởng đại diện UNFPA (quỹ dân số Liên hợp quốc).

Chiến dịch truyền thông "Chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” sau một thời gian phát động đã tạo được những hiệu ứng rất tốt tác động sâu sắc tới thái độ, nhận thức về vấn đề này đối với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đồng thời, kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội cùng hành động để chấm dứt tình trạng bạo lực này. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25-11 hàng năm, đồng thời mở đầu chiến dịch toàn cầu 16 ngày chống lại hành vi bạo lực giới.

Bà Astris Bant - Trưởng đại diện UNFPA TẠI Tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo  (Ảnh: Văn Duy)
Chia sẻ về chiến dịch này, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Ngăn chặn và chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội và trong gia đình là một trong những mối quan tâm lớn của tất cả các nước trên thế giới. Tại các diễn đàn toàn cầu, bạo lực tình dục là việc vi phạm nhân quyền và nhân phẩm, vi phạm Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã ký kết. Và mới đây, tại Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ do Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì ngày 27/9/2015 tại New York - Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu bật vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; nhấn mạnh phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% đại biểu Quốc hội, trên 25% chủ doanh nghiệp. Chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được LHQ xếp hạng cao. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để từ nay đến năm 2030 thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực; giảm ít nhất 50% tình trạng bạo lực, cải thiện hơn nữa sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn; đồng thời từng bước xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”

Theo số liệu Nghiên cứu của Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp quốc công bố thì có tới 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong bốn hình thức bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực họ phải chịu đựng. Hiện chưa có số liệu chính xác về quấy rối và lạm dụng tình dục ở Việt Nam, cũng như về bạo lực tình dục, song số liệu từ các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng mình. Tại hội thảo, nhiều ví dụ đau lòng về bạo lực tình dục được các đại biểu đưa ra.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Văn Duy)
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân, mà còn gây tổn thất về kinh tế - xã hội rất lớn. Một nghiên cứu mới đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ ở Việt Nam đã gây tổn thất gần 1,5% GDP quốc gia trong năm 2012. Các chi phí xã hội thậm chí còn lớn hơn vì bạo lực đối với phụ nữ làm giảm đáng kể sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cản trở tăng trưởng kinh tế và khả năng xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc.

Bà Astris Bant - Trưởng đại diện UNFPA, cho biết thêm: “Có tới 87% nạn nhân bạo lực gia đình không tìm đến sự hỗ trợ, do thiếu các dịch vụ có sẵn. Nhiều người sợ hãi không lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và quấy rối nhiều hơn. Khảo sát chỉ ở những phụ nữ kết hôn, song có một thực tế cũng đã được nghiên cứu là nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng bị bạo lực và quấy rối tình dục. Thách thức lớn nhất ở Việt Nam là cần thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về những chuẩn mực đạo đức Nho giáo, từ đó mới làm thay đổi nhận thức, hành vi đôi với vấn đề bạo lực. Chính vì vậy việc phát động chiến dịch truyền thông "Chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái" là rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn để xây dựng một cuộc sống văn minh, hiện đại và bình đẳng hơn.

Chiến dịch truyền thông này được triển khai mạnh mẽ đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bạo lực tình dục, tạo dư luận xã hội chống lại hành vi bạo lực tình dục, đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi cho các nạn nhân mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực tình dục – một kiểu bạo lực khó nói và khó thấy. Với những Chiến dịch truyền thông được định hướng theo chủ đề cụ thể từng năm, Việt Nam mong muốn sự chung tay của toàn xã hội trong việc xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên đất nước nói riêng và toàn thế giới nói chung.

N. H

 

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL tổng kết chiến dịch truyền thông: “Chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái”