|
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại Hội Nghị (Ảnh: MU) |
Hội nghị - Hội thảo tập trung vào 4 nội dung gồm: sơ kết chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án do Chính phủ, Thủ tướng ban hành, phê duyệt giai đoạn 2011 - 2015; sơ kết Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020; tổng kết kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2008 - 2015 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các văn bản, đề án về công tác gia đình, phát huy những kết quả đạt được, nhận diện, phân tích những nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để đưa ra các giải pháp làm tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án thực hiện công tác gia đình giai đoạn 2011-2015 cho thấy, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác gia đình đã có sự chuyển biến, tích cực chỉ đạo xây dựng, ban hành, triển khai các văn bản thực hiện Chiến lược phù hợp với tình hình địa phương; đưa mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược vào các tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều Bộ, ngành và các tỉnh, thành đã chỉ đạo bổ sung các tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vào hương ước, quy ước, đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá…
Bên cạnh đó, công tác gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm và phối hợp của các ngành, đoàn thể, chủ động triển khai thực hiện các nội dung của công tác gia đình gắn với hoạt động của ngành; đẩy mạnh phối hợp hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới…
|
Toàn cảnh Hội nghị - Hội Thảo (Ảnh:MU)
|
Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được thực hiện với những kết quả đáng ghi nhận, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Cụ thể, 90% hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; 90% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; hàng năm trung bình giảm từ 10-15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, có người mắc tệ nạn xã hội…
Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. Ở mục tiêu này, có 80% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 85% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cháu, tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con cháu là trai hay gái; 85% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, chăm sóc cha mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; 95% hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện đúng chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình…
Về mục tiêu nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định, đã có 90% hộ gia đình được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; 90% hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, khủng hoảng kinh tế. Hàng năm, tăng 10% hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hoá, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam thời gian vừa qua ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế như: các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng xảy ra khá phổ biến. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình còn thiếu và yếu.
Hội nghị - Hội Thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, chủ yếu tập trung nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các vấn đề gia đình. Đại biểu tham dự Hội nghị cũng đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai Chiến lược như: tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác gia đình; nhân rộng các mô hình tốt và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những kết quả đạt được trong chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, qua đó mong muốn trong thời gian tới các địa phương trên cả nước tiếp tục tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn nữa giúp người dân nhận thức đúng đắn những tác hại về bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực gia đình…góp phần xây dựng một xã hội văn minh - hạnh phúc.
N. H