|
Ông Lâm Văn Khang - Trưởng BTC sự kiện tuần "Đại Đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015
giải đáp thắc mắc của các phóng viên, nhà báo (Ảnh: Y Trang) |
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 là sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2015), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, đồng thời thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tham dự sự kiện này có khoảng 150 đồng bào được huy động từ 10 dân tộc: Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Chăm, M’Nông, Sán Chay, Kinh, Hoa, Khmer và dân tộc Kinh đến từ các tỉnh: Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Bắc Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Hà Nội.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 sẽ diễn trong 9 ngày từ 15-23/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây – Hà Nội). Trong thời gian diễn ra sự kiện có 06 hoạt động chính được tổ chức. Trong đó, điểm nhấn của sự kiện này chính là chương trình khai mạc với chủ đề “Sắt son niềm tin”. BTC cho biết, ngoài sự phong phú về nội dung, nét mới ở lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2015 chính là việc BTC lựa chọn các đơn vị tham gia tại sự kiện. Nếu như mọi năm, việc tổ chức tuần Đại đoàn kết chỉ do các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ thực hiện thì ở tuần Đại đoàn kết năm nay với mục đích tìm đến cái gốc của bản sắc văn hóa dân tộc, BTC đã sử dụng lực lượng vũ trang và một số nhà ca múa nhạc địa phương như Nhà ca múa nhạc Bông sen - Tp Hồ Chí Minh, đoàn Văn công Quân khu I, Quân khu VII, đoàn Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên,...
|
Buổi họp báo thu hút trên 100 phóng viên, nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội (Ảnh: Y Trang ) |
Bên cạnh lễ khai mạc hứa hẹn sẽ diễn ra hấp dẫn, đặc sắc, trong khuôn khổ tuần Đại đoàn kết các dân tộc còn có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Trưng bày, Triển lãm (Sen trong đời sống văn hóa Việt); Tái hiện các lễ hội truyền thống (của đồng bào các dân tộc như: Lễ Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội AzaKooh (cầu mùa) của dân tộc Tà Ôi; Lễ hội Oai lơ cau chăhơzan (lễ cầu mưa) dân tộc Chăm; Lễ Bư brah mih rah book năm (lễ cúng mưa đầu mùa) của dân tộc M’nông; Lễ cưới của dân tộc Sán Chay (Cao Lan); Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Trà Vinh...); Tái hiện không gian chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc (chợ vùng cao và chợ nổi Nam Bộ); Hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch và giới thiệu sản phẩm truyền thống và hàng Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Lâm Văn Khang – Trưởng BTC tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015, điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động trong thời gian diễn ra sự kiện trên chính là các hoạt động Lễ hội của các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó, có những lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Ngôi nhà chung – làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam như lễ hội cúng biển Mỹ Long – Trà Vinh. Đây là các lễ hội đặc sắc do chính các chủ thể văn hóa thực hiện với các nghi thức truyền thống của dân tộc mình.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của sự kiện, đồng thời khẳng định thông qua các hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết trở thành một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
VD