Theo đó, mục đích của các hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định công lao, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn hóa, văn học - nghệ thuật của Việt Nam và nhân loại; Quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo môi trường thuận lợi nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, gắn với du lịch di sản; góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển kinh tế, xã hội, làm cho mọi người dân hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Với mục đích đó, nội dung tuyên truyền sẽ tập trung tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn, quan trọng của Đại thi hào Nguyễn Du; giới thiệu quảng bá Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du; tuyên truyền những kết quả nghiên cứu nổi bật về các yếu tố quê hương, gia đình và thời đại có ảnh hưởng đến tài năng xuất chúng của Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du; phản ánh các hoạt động Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan báo chí và các địa phương có sự phối hợp, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm theo nhiệm vụ đã được phân công. Trong đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan trên các bảng quảng cáo, pano, áp phích; tổ chức các hoạt động văn hoá-văn nghệ tuyên truyền về Lễ kỷ niệm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du. Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hoá Việt Nam, về Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều ở nước ngoài.
Tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng, tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia (dự kiến đầu tháng 12 năm 2015), phản ánh các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm trên cả nước. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức…
Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh ra ở Thăng Long, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm làm quan Tham tụng (Tể tướng) thời Lê. Nguyễn Du làm quan dưới triều Nguyễn và được bổ nhiệm nhiều chức vụ: Tri phủ, Tri huyện, Đông các Đại học sĩ, Hữu Tham tri Bộ lễ… Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, gồm cả chữ Nôm, chữ Hán, có thể kể đến như: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ,… Đặc biệt, với tác phẩm bất hủ Truyện Kiều, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát đã khẳng định tên tuổi và tài năng xuất chúng của Đại thi hào Nguyễn Du ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hoá của nhân loại, tháng 12/1964, tại thành phố Béclin (Đức) Hội đồng Hoà bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du cùng với 8 doanh nhân văn hoá trên toàn thế giới. Từ đó đến nay các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều luôn được tiến hành và thu nhiều kết quả mới. Cùng với đó, khu lưu niệm Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012. Khu lưu niệm được xây dựng với nhiều hạng mục: Nhà thờ Nguyễn Du; Nhà Văn thánh - Bình Văn, Đàn tế, bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du); Mộ Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ mộ Nguyễn Nghiễm; Đền thờ Nguyễn Trọng; Khu lăng Văn Sự và Không gian văn hóa Nguyễn Du (gồm Tượng đài, Thư viện Nguyễn Du, Hội trường, Nhà thờ, Nhà bảo tàng Nguyễn Du,….).
|