|
PGS.TS Lâm Quang Thành báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh:Y Trang) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Lâm Quang Thành cho biết: Sau 20 năm gia nhập ASEAN (28/7/1995) Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình; các nước thành viên ASEAN và các đối tác nước ngoài đều đánh giá cao sự tham gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố, phát triển Hiệp hội cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN…
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; riêng về lĩnh vực TDTT, việc hội nhập ASEAN mới chỉ hình thành từ năm 2011 theo xu hướng hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực và luân phiên từng quốc gia trong khu vực.
Trong chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã đưa ra quan điểm: “Thực hiện xã hội hóa các hoạt động TDTT, kết hợp việc kinh doanh TDTT với công tác cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về TDTT”. Từ quan điểm trên, chiến lược đã đưa ra mục tiêu cụ thể: “Nâng cao thành tích thi đấu, giữ vững vị trí là một trong 3 quốc gia có thành tích thể thao đứng đầu Đông Nam Á, tiến tới thu hẹp khoảng cách, trình độ với châu Á và thế giới. Tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước”.
Trên cơ sở thực hiện các chủ trương, việc xây dựng Đề án “Hội nhập cộng đồng ASEAN của thể thao Việt Nam” là rất cần thiết, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của thể thao Việt Nam khi hội nhập cộng đồng ASEAN.
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang) |
Về Đề án “Hội nhập cộng đồng ASEAN của thể thao Việt Nam”, ông Lâm Quang Thành cho biết: sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa Đề án được chia làm 4 phần trong đó phần quan điểm, mục tiêu, nội dung hội nhập cộng đồng ASEAN của thể thao Việt Nam được xem là xương sống của Đề án. Ngoài quan điểm xây dựng nội lực của Việt Nam trong các lĩnh vực hoạt động thể thao để hội nhập ASEAN trên cơ sở phát huy thế mạnh của Việt Nam, đồng thời tận dụng được các thế mạnh về thể thao của các nước ASEAN thì Đề án đã đưa ra 4 mục tiêu cụ thể: Tăng cường nhận thức của ASEAN thông qua các hoạt động thể thao mang lại cho những người trong cộng đồng ASEAN cùng tham gia và có lợi; Tăng cường ý thức của một cộng đồng ASEAN qua các chương trình trao đổi thể thao cùng có lợi; Tăng cường ý thức duy trì lối sống lành mạnh của người dân trong cộng đồng ASEAN; Tăng cường các môn thể thao mang tính động lực, có tính cạnh tranh và những khả năng thông qua các chương trình xây dựng năng lực và các kỹ năng…
Bên cạnh đó, Đề án cũng đã nêu bật lên 5 nhóm nội dung chính cùng 34 nhóm nội dung phụ; đề xuất 6 dự án hay như đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển chính của Đề án. Ông Lâm Quang Thành kiến nghị Bộ VHTTDL thông qua Đề án để làm cơ sở cho ngành TDTT xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác, liên kết về thể thao với các nước ASEAN.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh rằng phát triển thể thao Việt Nam khi hội nhập cộng đồng có tính chất quan trọng nhằm thực hiện hài hòa với việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên tinh thần thống nhất chủ trương với nội dung của Đề án, Thứ trưởng cũng lưu ý Ban soạn thảo cần sắp xếp lại bố cục Đề án sao cho thật rõ nét. Ngoài ra, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là hội nhập quốc tế vậy nên Ban soạn thảo phải rà soát lại tất cả những nội dung liên quan đến luật thể thao.
Thay mặt Ban soạn thảo, Viện trưởng Viện KHTDTT ông Nguyễn Danh Hoàng Việt ghi nhận, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, nghiên cứu, chỉnh sửa Đề án trong khoảng thời gian sớm nhất để trình Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL phê duyệt.
M.Đ