|
Việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các công trình TDTT từ trung ương đến địa phương là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay (Ảnh: VD) |
Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong 2 năm từ 2013-2015, các công trình thể dục thể thao thuộc các cơ sở thể dục thể thao từ Trung ương đến địa phương sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, nay đã từng bước có đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động. Hệ thống cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm trong thời gian gần đây; xu hướng chung của hệ thống công trình thể dục thể thao là gần trường học, phục vụ sát yêu cầu của nhân dân ở cơ sở, có gắn kết với thể thao học đường. Nhiều điển hình về xây dựng, quy hoạch cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống công trình thể dục thể thao và cách làm sáng tạo đã góp phần xây dựng các tụ điểm luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thiết thực với bà con ở cơ sở.
Việc quản lý và sử dụng các công trình thể dục thể thao đã có những tiến bộ đáng kể, các công trình thể dục thể thao đã cơ bản phục vụ tốt cho sự phát triển thể dục thể thao. Nhiều điển hình trong quản lý sử dụng công trình thể dục thể thao ở các cấp đạt hiệu quả kinh tế cao, tự chủ trong hạch toán thu chi bù đắp cho các hoạt động thể dục thể thao và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, có nơi đã tự chủ được cả duy tu, bảo dưỡng công trình và nộp ngân sách hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, nhiều công trình TDTT thuộc cơ sở TDTT công lập đang quản lý từ Trung ương đến địa phương đã mạnh dạn đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật được duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp, nhiều nơi có cách làm thiết thực, sáng tạo gắn việc tổ chức phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao với phục vụ các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng khác đã phát huy hết công năng sử dụng của công trình, đồng thời mang lại nguồn thu đáng kể phục vụ cho công tác duy tu bảo dưỡng công trình, giảm chi từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, việc quản lý và sử dụng các công trình TDTT hiện nay ở nước ta đang gặp phải những tồn tại, hạn chế nguyên nhân bởi nhận thức của một số lãnh đạo và dư luận còn chưa đồng thuận hoặc chưa hiểu đầy đủ về tính đặc thù của quản lý và sử dụng công trình thể dục thể thao với bảo trì trang, thiết bị gắn với công trình; một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý và khai thác công trình thể dục thể thao. Nhận thức về các quan điểm và một số giải pháp trong chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam chưa đầy đủ, sâu sắc, nhất là về công tác xã hội hóa, cổ phần hóa, liên doanh, liên kết hoặc đấu thầu, bán, khoán, cho thuê sử dụng công trình, nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, còn băn khoăn khi chuyển giao cho thuê, cổ phần hóa sợ mất quyền sử dụng, lo ngại bị chuyển mục đích sử dụng...
|
Sân vận động Lạy Tray - Hải Phòng (Ảnh: Thế Thiện ) |
Việc quản lý và sử dụng công trình thể dục thể thao chưa đạt hiệu quả cao, nhất là các tỉnh kinh tế còn khó khăn, điều kiện tập luyện và mức độ hưởng thụ các giá trị văn hóa của thể dục thể thao thấp. Dẫn đến việc khai thác và sử dụng đối với các công trình thể dục thể thao thuộc các Trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh hầu hết chủ yếu dành cho huấn luyện, đào tạo và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, chưa khai thác và phục vụ nhu cầu tập luyện cho nhân dân.
Cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng công trình TDTT còn nhiều vướng mắc bất cập. Các công trình thể dục thể thao thuộc nhiều cơ sở thể dục thể thao bị xuống cấp và thiếu trang thiết bị cho hoạt động sự nghiệp. Nhiều nơi xây dựng được công trình nhưng thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía bắc. Kinh phí tổ chức hoạt động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nội dung tổ chức hoạt động; công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng cơ chế bao cấp, thiếu chủ động, sáng tạo.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn vướng mắc trong việc quản lý, khai thác và sử dụng các công trình TDTT hiện nay chính là vấn đề cơ chế chính sách còn nhiều bất bất. Hiện nay, còn nhiều nơi chưa thực hiện cơ chế tự chủ; mặt khác khi các đơn vị đã thực hiện cơ chế tự chủ thì vướng mắc về cơ chế còn chưa thông thoáng, nên nhiều công trình thể dục thể thao hiệu quả sử dụng chưa cao, nguồn chi không có, ngân sách đầu tư sửa chữa hạn hẹp, công trình bị xuống cấp và thiếu trang thiết bị cho tổ chức hoạt động.
Trước thực tế trên, cần phải có sự thống nhất về cơ chế, chính sách cũng như tạo hành lang pháp lý để việc quản lý và sử dụng các công trình TDTT một cách hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT đã, đang tiến hành xây dựng Đề án quản lý và sử dụng các công trình TDTT. Ông Vũ Trọng Lợi – Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT – Trưởng Ban soạn thảo đề án cho biết: Đề án cơ bản đã hoàn tất về mặt nội dung cũng như hình thức, hiện tại Đề án đang được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và sẽ sớm được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo ông Vũ Trọng Lợi, khi Đề án được ban hành sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm mục đích hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp và nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ thể dục thể thao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công trình thể dục thể thao phục vụ quần chúng nhân dân tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, đào tạo huấn luyện VĐV cấp cao tại các đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao công lập do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản các công trình thể dục thể thao được quản lý theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tạo môi trường thuận lợi để mọi người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí.
Các công trình TDTT được sử dụng, khai thác đảm bảo được nguồn thu bù chi phí duy tu bảo dưỡng, vận hành theo một quy trình khoa học nhằm kéo dài tuổi thọ của công trình, phục vụ có hiệu quả hơn cho TDTT và cho các hoạt động xã hội khác của cộng đồng; hạn chế tối đa nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động duy tu bảo dưỡng công trình. Để từ đó không ngừng nâng cao số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên và gia đình thể thao, góp phần xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, sức khỏe và tinh thần nhân dân.
Cùng với đó nâng dần số lượng và chất lượng dịch vụ của các công trình thể thao và số lượng các câu lạc bộ TDTT cơ sở hoạt động tại các công trình thể thao để tần suất sử dụng công trình tăng, phục vụ được nhiều người dân đến tập luyện thể dục, thể thao, đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở TDTT tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch và các hoạt động cộng đồng khác. Tiết kiệm được nguồn lực kinh tế của đất nước đầu tư cho TDTT khi sử dụng hợp lý các công trình đã được đầu tư.
VD - T.Lợi