Đảng ủy Bộ VHTTDL tổ chức chương trình sinh hoạt cấp ủy Quý I năm 2015

Sáng ngày 17/3, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Đảng ủy Bộ VHTTDL đã tổ chức chương trình sinh hoạt cấp ủy Quý I năm 2015 với chuyên đề "Văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước" nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước tới mỗi cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên. Từ đó nhận thấy trách nhiệm trong việc tích cực triển khai nhiệm vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thiết thực đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa đi vào cuộc sống.

GS.TS Đinh Xuân Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận
(Ảnh: Minh Ước)
Tới dự Hội nghị có Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL, TS. Lê Anh Thơ cũng các đồng chí trong thường trực, thường vụ, Ban chấp hành, các đồng chí là cấp ủy viên các cấp của 76 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ và cán bộ, đảng viên khối các cơ quan tham mưu của Bộ tại 51 Ngô Quyền. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe GS.TS Đinh Xuân Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trình bày các luận điểm về tầm quan trọng của Văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước.

GS,TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh, Đảng ta đã xác định "Văn hoá là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển" tại Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII- 1998) về " Xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Nhưng nhiều năm qua, hầu như không có ai làm rõ, bàn sâu, tập trung suy nghĩ về luận điểm này. Sau 13 năm, trong cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Luận điểm này lại tiếp tục được khẳng định "Văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển". Nhận rõ tầm quan trọng, ý nghĩa sâu xa của nó, gần đây nhất, Nghị quyết số 33- NQ/TW, ngày 09/6/2014 (Hội nghị Trung ương 9 khoá X) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, luận điểm này lại được nhấn mạnh trong mục tiêu chung định hướng và xây dựng văn hoá, con người Việt Nam "Văn hoá thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc".

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững của dân tộc là sức sáng tạo của con người, là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra, là các giá trị vật chất và tinh thần, là trình độ, năng lực hoạt động sống của người và thể hiện sinh động chính bản thân sự phát triển của con người.cộng đồng dân tộc....

Sức sáng tạo của con người là vô tận, vì thế kết quả sáng tạo về văn hoá rất phong phú, đa dạng, luôn luôn biến đổi, thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cái mới, cái lạ, cái chưa từng có thường xuyên xuất hiện. Cùng với việc chấp nhận và tôn trọng sự biến đổi rất phong phú, đa dạng, sinh động, bất ngờ trên cấu trúc bề mặt của văn hoá, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm làm cho văn hoá bám rễ sâu chắc vào mảng đất tâm thức của dân tộc, thể hiện hồn dân tộc, cốt cách dân tộc. Đó chính là cơ sở khoa học (nằm ngay trong bản chất, đặc trưng của văn hoá) để Đảng ta khẳng định văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng của dân tộc và sự phát triển bền vững, "hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam".

Các giá trị văn hoá được chắt lọc và được kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được công đồng lựa chọn tạo nên bản sắc của dân tộc đó, được truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì thế mà giá trị là kim chỉ nam hướng dẫn các thành viên trong cộng đồng (dân tộc, giai cấp, các tầng lớp xã hội, các giới...) phân biệt đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu để hành động nhằm đưa con người vươn lên sự hoàn thiện, tức là vươn tới chân, thiện, mỹ.

Điều quan trọng hàng đầu phải là giáo dục cho quần chúng, cộng đồng nhận thức được những giá trị và chuẩn mực để họ tự định hướng, tự điều chỉnh mọi hành vi và ứng xử một cách tự giác. Đạt được kết quả đó chính là tạo ra sức mạnh nội sinh to lớn, sâu sắc của cộng đồng, của dân tộc. Trong mỗi nền văn hoá thường có hệ thống chuẩn mực cùng phát huy tác dụng đan kết các hoạt động văn hoá của con người. Đó là hệ thống các chuẩn mực trong lao động, trong giao tiếp, trong đảng phái, tín ngưỡng, tôn giáo, trong giới tính, tuổi tác và các nghề nghiệp khác nhau...

Các hệ thống chuẩn mực này bao chứa những định chuẩn quy định tính thông tin, tính kiểm soát trong các lĩnh vực cơ bản của đời sống tinh thần của xã hội, tạo thành các chuẩn mực về đạo đức, pháp luật, trí tuệ, nghề nghiệp, thẩm mỹ ... các chuẩn mực này mang tính quy định, tính điều chỉnh và cả tính cấm đoán. Như vậy, với tư cách là thành tố văn hoá của xã hội, các chuẩn mực đề ra những nguyên tắc đan kết ở chiều sâu trong xã hội, tạo nên những định hướng cho mọi quan hệ văn hoá, giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc, tạo ràng buộc các thế hệ, trực tiếp góp phần tạo nên sự gắn kết tự nguyện của cộng đồng, của dân tộc. Và đó chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Một ví dụ cụ thể: Lòng yêu nước là một chuẩn mực sâu sắc, nổi bật nhất của dân tộc ta, điều đó dễ nhận rõ, chuẩn mực đó đã được thể hiện sinh động, đậm đặc qua sự kiện "Biển Đông" thời gian qua.

Đại biểu dự Hội nghị là các đồng chí trong thường trực, thường vụ, Ban chấp hành, các đồng chí là cấp ủy viên các cấp của 76 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Bộ và cán bộ, đảng viên khối các cơ quan tham mưu của Bộ tại 51 Ngô Quyền.(Ảnh:Minh Ước)
Như vậy có thể thấy rõ về mặt khoa học, vì sao văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc, của sự phát triển bền vững. Tuy vậy các phân tích trên dựa vào văn hoá bản địa, văn hóa do chính dân tộc ta tạo ra. Song, văn hoá Việt Nam không chỉ là văn hoá bản địa, mà trong toàn bộ lịch sử của mình, chúng ta luôn tiếp xúc, giao lưu, đấu tranh, tiếp nhận, chọn lọc văn hoá từ bên ngoài vào. Ở đây, có hai vấn đề mà chúng ta phải thường xuyên tìm các xử lý: chống sự đồng hoá, xâm lăng văn hoá và biến các nguồn lực nội sinh của dân tộc, có lợi cho dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong tiến trình lịch sử.

Theo GS, TS Đinh Xuân Dũng, trên thực tế, các giá trị văn hóa đã và đang góp phần thúc đẩy xã hội phát triển và là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước. Đưa văn hóa vào trong kinh tế không chỉ là đưa ứng xử giữa con người với con người, mà quan trọng hơn cả là đưa chất xám, trí tuệ vào trong đời sống sản xuất. Do đó trong thời gian tới, cần coi trọng đưa các giá trị văn hóa, chất xám, trí tuệ vào trong sản xuất. Đồng thời, phải nghiên cứu, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa mang đặc thù của Việt Nam. Đây sẽ là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, ngang hàng với chính trị, kinh tế, môi trường. Văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng và tinh tế. Văn hóa thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, đến từng người, từng gia đình, mọi lĩnh vực, các ngành, các cấp.

Vận dụng triệt để và sáng tạo luận điểm "Văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng của dân tộc, của sự phát triển bền vững" sẽ giúp chúng ta soi sáng tất cả các vấn đề trong thực tiễn và là cửa đột phá để tạo ra những thành tựu mới, những giá trị mới của không chỉ văn hoá dân tộc thời kỳ hiện đại mà còn của chính sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Tổ quốc chúng ta những năm sắp tới.

A.T

Ảnh trong bài
  • Đảng ủy Bộ VHTTDL tổ chức chương trình sinh hoạt cấp ủy Quý I năm 2015