Theo đó, trong tháng 3, lãnh đạo Tổng cục TDTT tiếp tục tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát tình hình tập huấn của các VĐV, HLV cũng như các điều kiện về trang thiết bị tập luyện, chế độ dinh dưỡng tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự SEA Games 28, Para Games lần thứ 8 tại Singapore, vòng loại Olympic 2016 và các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng đã ban hành các văn bản quản lý, qua đó cán bộ quản lý từ các vụ chức năng tới bộ môn, ban huấn luyện phải chỉ đạo rất sát các đội tuyển và phải có báo cáo hàng tuần tới lãnh đạo Tổng cục TDTT. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc bổ dưỡng cho VĐV cũng được triển khai ngay sau tết để giúp các VĐV có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games và vòng loại Olympic.
|
Đội tuyển Bắn súng đang gấp rút tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Ảnh: Minh Đăng) |
Việc triển khai Quyết định số 380/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt danh sách HLV, VĐV xuất sắc năm 2015 cũng gấp rút được triển khai tại các Trung tâm huấn luyện TTQG ngay từ những ngày đầu tháng 3. Theo Quyết định này, nhằm tích cực chuẩn bị cho các đấu trường thể thao lớn, ngành thể thao sẽ tập trung đầu tư trọng điểm cho 60 HLV, VĐV xuất sắc.
Các HLV, VĐV trong diện này sẽ được hưởng chế độ đặc biệt. HLV được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày, tiền công 500.000 đồng/người/ngày trong khi VĐV được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày, tiền công 400.000 đồng/người/ngày. Đây cũng là lần thứ hai thể thao Việt Nam thực hiện đầu tư trọng điểm, sau lần tập trung 60 VĐV trọng điểm dự Asian Games 17. Bên cạnh đó, các HLV, VĐV này được hưởng chính sách đặc thù về chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng, trang thiết bị tập luyện, thi đấu để chuẩn bị tham dự vòng loại Olympic 2016 và ASIAD 18 năm 2018. Đây được xem là bản danh sách tập trung đầy đủ nhân tài của thể thao Việt Nam hiện nay và sẽ tiếp tục được bổ sung để tránh bỏ sót tài năng. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết.
Cũng trong tháng 3, nhiều đội tuyển quốc gia sẽ lên đường tham gia các khóa tập huấn dài hạn và ngắn hạn ở một số quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh như: đội tuyển Cầu mây tập huấn đợt I tại Thái Lan (từ 01-30/3); đội tuyển Bắn súng (súng ngắn nam) tập huấn tại Hàn Quốc từ 28/3 – 08/4 hay như các đội tuyển Bơi tiếp tục tập huấn tại Mỹ và đội tuyển Cầu lông tập huấn tại Indonesia (từ 01/01 – 31/12). Các VĐV sẽ tham gia tranh tài 10 giải quốc tế nhằm nâng cao khả năng kỹ, chiến thuật cũng như kinh nghiệm thi đấu chuẩn bị bước vào các đấu trường thể thao vòng loại Olympic, SEA Games 28,…Bên cạnh đó, thể thao trong nước cũng náo nhiệt với 17 giải thể thao quốc gia và 5 giải thể thao quốc tế được tổ chức trong tháng 3 tại Việt Nam.
Tháng 3 cũng là tháng với nhiều giải thể thao quần chúng và nhiều hoạt động thể thao nhằm kỳ niệm 60 năm Ngày thể thao Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2015 được tổ chức với quy mô lớn trên toàn quốc. Theo ông Vũ Trọng Lợi – Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, tính đến ngày 3/3/2015 đã có 42 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch tổ chức Ngày chạy Olympic. Ngoài ra, cũng trong tháng thanh Niên, nhiều địa phương cũng tổ chức các giải TDTT khác nhằm hưởng ứng cho Ngày chạy Olynpic vì sức khỏe toàn dân.
Cùng với những hoạt động chuyên môn, sự nghiệp, trong tháng 3, ngành TDTT sẽ tập trung xây dựng các đề án, văn bản pháp quy như: Đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2016; Đề án quản lý sử dụng các công trình thể dục thể thao; Đề án Quy hoạch phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;… đồng thời tập trung triển khai, thực hiện Đề án, chiến lược, văn bản như: Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Đề án tổ chức Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5; Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;…
KC