Cần bảo tồn, phát huy văn hóa 5 dân tộc thiểu số dưới 1.000 người

Sáng 9/2, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có các chuyên gia văn hóa và dân tộc nhằm bàn giải pháp bảo tồn văn hóa của 5 dân tộc này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn chia sẻ: Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều nơi đời sống kinh tế được cải thiện, nhưng sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa vẫn còn khoảng cách khá rộng, trong đó vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí.

Mục đích của hội nghị này nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp khẩn cấp để bảo tồn văn hóa truyền thống của 5 dân tộc phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc và tình hình thực tế. Bên cạnh đó, khuyến khích để phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trong bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình.

Hội nghị cũng là dịp để cơ quan quản lý, những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số hiểu nguyện vọng của đồng bào và bày tỏ những mong muốn của mình trong việc bảo tồn văn hóa cũng như có những đề nghị về cơ chế chính sách, định hướng và hỗ trợ trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.  

Tại Hội nghị, đại diện của 5 dân tộc, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý văn hóa đã cùng bàn bạc về những đề xuất, giải pháp và định hướng để bảo tồn văn hóa của tộc người thiểu số nói chung và 5 tộc người có dân số dưới 1.000 người nói riêng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, muốn bảo tồn nét văn hóa của 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu thì việc đầu tiên cần phải duy trì đó chính phải tạo được không gian văn hóa riêng cho mỗi dân tộc, để làm tốt việc này trước mặt phải tăng dân số của các dân tộc này nhiều hơn.   

Được biết, 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum. Do điều kiện sống còn khó khăn, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế. Có dân tộc, ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống.

Không những thế, trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá. Thời gian qua, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có cảnh báo về nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống của 5 dân tộc này. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang tập trung các giải pháp, chính sách và dự án để hỗ trợ các dân tộc nói trên.

N. H
 

Ảnh trong bài
  • Cần bảo tồn, phát huy văn hóa 5 dân tộc thiểu số dưới 1.000 người