Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL gồm 2 mục tiêu; 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện. Trong đó, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là nội dung quan trọng nhất được xây dựng dựa trên quy luật khách quan, có sự đóng góp ý kiến từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực VHTTDL và sự đóng góp của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Bộ VHTTDL đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam; Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá; Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; Huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam; Hoàn thiện thể chế và các cơ chế,chính sách; Tăng cường giám sát thực hiện.
Trong đó nhiệm vụ Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được xác định là then chốt, là nội dung quan trọng hàng đầu. Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây cũng chính là mục tiêu mà Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã đặt ra.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên một cách hiệu quả, từ năm 2016-2018, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện 28 văn bản, đề án gồm: Đề án tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống, nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên; Đề án xây dựng văn hoá trong tuân thủ pháp luật; Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả giải pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2016-2020; Đề án xây dựng các Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại nước ngoài; Đề án đổi mới phát huy sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; Đề án đẩy mạnh xã hội hoá huy động các nguồn lực cho phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Đề án đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh xã hội hoá và đa dạng hoá nguồn lực đối với các lĩnh vực văn hoá, hình thành thị trường sản phẩm văn hoá lành mạnh; Đề án xây dựng các quỹ phát triển và hỗ trợ sáng toạ văn học, nghệ thuật...
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL được đặt ra đó là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, chưa phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên, Bộ VHTTDL sẽ phối phợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các đề án về cơ sở dữ liệu để phát tiển các ngành công nghiệp văn hoá đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020...
Kế hoạch hành động ngành VHTTDL về thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP sẽ được tuyên truyền phổ biến tới các cấp quản lý văn hoá, thể thao và du lịch từ trung ương đến địa phương và các cơ sở văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động. Các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền caá nhiệm vụ, giải pháp, kinh nghiệm thực hiện của địa phương, đơn vị để triển khai kế hoạch này...
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
VD