Hội nghị triển khai công tác VHTTDL tại điểm cầu Tổng cục TDTT

Hội nghị triển khai công tác VHTTDL năm 2015, tại điểm cầu Tổng cục được tổ chức vào ngày 16/1 có sự tham dự của các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Trần Đức Phấn, Phạm Văn Tuấn và Lâm Quang Thành, lãnh đạo các Vụ, đơn vị, chức năng...

Toàn cảnh hội nghị

Trong dự thảo báo cáo khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014, do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái trình bày nêu rõ: phong trào TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi rộng khắp cả nước kết hợp với việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII. Phong trào TDTT quần chúng và hoạt động TDTT ở cơ sở có bước tiến rõ rệt, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đều đạt với 27,3% số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao đạt 19% tổng số hộ;97% số trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất; số câu lạc bộ thể thao đạt 50.000 CLB.

Đaị hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đã diễn ra thành công với 57 kỷ lục quốc gia được xác lập. Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam thi đấu đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Châu Á lần thứ II (giành 9 HCV, 7 HCB, 13 HCĐ, xếp vị trí thứ 10/42 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự); Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ VII được tổ chức tại Myanmar, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã giành được 48 HCV, 66 HCB và 72 HCĐ, xếp vị trí thứ 4/11 quốc gia tham dự. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ VII được tổ chức tại Myanmar, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã giành được 48 HCV, 66 HCB và 72 HCĐ, xếp vị trí thứ 4/11 quốc gia tham dự.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, trong năm 2014, toàn ngành tập trung đầu tư, chuẩn bị chu đáo kế hoạch đào tạo, tập huấn, thi đấu của các VĐV để tham dự Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 17 tại Incheon - Hàn Quốc; Đại hội Thể thao Olympic trẻ lần thứ II tại Trung Quốc; Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 4, tại Thái Lan; Vòng loại Olympic 2016 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Tham dự các giải thể thao quốc tế, các VĐV Việt Nam đã giành được tổng số 355 HCV, 253 HCB, 272 HCĐ (trong đó, có 22 HCV, 23 HCB, 32 HCĐ thế giới; 29 HCV, 32 HCB, 60 HCĐ Châu Á; 242 HCV, 171 HCB, 133 HCĐ Đông Nam Á; 62 HCV, 27 HCB, 47 HCĐ các giải khác).

Cùng với những thành tựu nổi bật của Thể thao Việt Nam, dự thảo báo cáo tại Hội nghị cũng thẳng thắn thừa nhận lĩnh vực TDTT còn tồn tại 3 vấn đề đó là: Hoạt động thể dục thể thao quần chúng tuy có bước phát triển nhưng tính tự giác chưa cao, chưa trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của đại đa số người dân. Hệ thống thiết chế thể thao, cơ sở vật chất phục vụ tập luỵện, đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao ở vùng sâu, xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu nhiều.

Chế độ chính sách, chế độ dinh dưỡng cho VĐV đã được quan tâm hơn song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các VĐV đội tuyển quốc gia, tuyển trẻ quốc gia tại các Trung tâm HLTTQG còn thiếu và lạc hậu.

Việc triển khai các chương trình thuộc Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.

Trong phương hướng kế hoạch công tác năm 2015, ở lĩnh vực TDTT đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm có trong chương trình Olympic, ASIAD. Chuẩn bị lực lượng tham dự và giành thành tích tốt tại các Đại hội, sự kiện thể thao: SEA Games 28; vòng loại Olympic 2016; chuẩn bị tốt công tác tổ chức và lực lượng tham dự Đại hội Thể thao Bãi biển lần thứ 5-2016 tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ở lĩnh vực TDTT, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Sau 1 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, Thể thao Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, kết quả mà Thể thao Việt Nam đạt được tại ASIAD 17 chưa như mong muốn. Để có được thành tích cao trong thể thao đòi hỏi phải có nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ ngành TDTT cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt để việc tham dự các Đại hội đạt kết quả cao nhất; nghiên cứu mô hình tổ chức Đại hội TDTT các cấp, Đại hội TDTT toàn quốc dựa trên ý kiến của các VĐV, HLV, các nhà khoa học, các nhà quản lý thể thao ở trung ương và địa phương để có những thay đổi, điều chỉnh sao cho hiệu quả và chất lượng; tiếp tục đầu tư các thiết chế về thể thao từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục triển khai cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại sâu rộng trong nhân dân.

VD

Ảnh trong bài
  • Hội nghị triển khai công tác VHTTDL tại điểm cầu Tổng cục TDTT