Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch là phát triển văn hóa theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng gia đình văn hóa, hòa thuận, hạnh phúc; phát triển sâu rộng thể dục thể thao quần chúng, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành những sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch di sản có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Đối với lĩnh vực thể dục thể thao, Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020, Vùng trở thành trung tâm thể thao khu vực miền Trung và Tây Nguyên với TP Đà Nẵng là hạt nhân; phát triển thể thao thành tích cao với mục tiêu đưa thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phát triển sâu rộng thể dục thể thao quần chúng trong các đối tượng tầng lớp xã hội, các địa bàn dân cư, giáo dục thể chất và thể thao trường học; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt 30%-32% và đến năm 2030 đạt 33% - 35%; tỷ lệ số trường học đảm bảo tốt giáo dục thể chất đến năm 2020 đạt 50-55% và đến năm 2030 đạt 55-70%; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt chuẩn thể lực đến năm 2020 đạt 85-90% và đến năm 2030 đạt 90-95%.
Về thể thao thành tích cao, tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm và phát triển các môn thể thao thế mạnh của từng địa phương, chú trọng các môn thể thao Olympic; Hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao; Phát triển số VĐV của các môn thể thao trọng điểm, VĐV xuất sắc cho đoàn TTVN tham dự các giải thi đấu trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể thao, các trường đào tạo năng khiếu, các cơ sở huấn luyện và đào tạo thể thao thành tích cao trong Vùng sẽ được đầu tư, nâng cấp. Theo đó đến năm 2020, nâng cấp Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, trường Đại học TDTT Đà Nẵng, hoàn thành Khu Liên hợp thể thao Hoà Xuân (Đà Nẵng), hoàn thành giai đoạn I khu Liên hợp thể thao Quảng Ngãi và Bình Định và sân vận động Bắc Quảng Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Quy hoạch đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ; đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hoá; Tăng cường giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức; Đẩy mạnh liên kết hợp tác và phát triển.
Trong quá trình thực hiện Quy hoạch, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực văn hoá, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của Vùng trên cơ sở danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Quy hoạch tổng thể phát triển văn hoá, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung:
Về văn hoá, gia đình, thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) sẽ được phát triển trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật và gia đình cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế; thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trở thành trung tâm văn hóa phía nam của Vùng, có sự liên kết chặt chẽ với khu vực Tây Nguyên. Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của các địa phương và các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; Đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2015; công nhận từ 2-3 di sản văn hóa tiêu biểu của Vùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá; xây dựng thiết chế văn hoá ở các khu công nghiệp và vùng cửa khẩu biên giới, các biển đảo...
Về du lịch, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, có các sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh cao; phấn đấu đến năm 2030, đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ khoảng 15 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 80 nghìn tỷ đồng; tạo được 140 nghìn việc làm trực tiếp; tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng như: du lịch di sản văn hóa và du lịch biển đảo, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; Tập trung phát triển 6 khu du lịch quốc gia là: Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên - Huế), Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định); 05 điểm du lịch quốc gia là: Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định); 3 đô thị du lịch là: Huế, Đà Nẵng, Hội An; Phát triển các tuyến du lịch trọng điểm: “Con đường di sản ASEAN”, du lịch caravan theo hành lang Đông - Tây, du lịch sinh thái biển đảo, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số...
|
KC