|
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tặng hoa cho Giáo sự Hoàng Vĩnh Giang - con trai Giáo sư Hoàng Minh Giám (Ảnh: Văn Duy) |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa và là người đảm đương chức vụ Bộ trưởng lâu nhất từ năm 1954 đến năm 1976, trong hơn 20 năm giữ trọng trách này, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ trưởng đã chỉ đạo các hoạt động của ngành đạt được những thành tựu to lớn: Xây dựng nếp sống mới, đẩy lùi các hủ tục của chế độ phong kiến, thực dân là bài học thực tiễn sâu sắc, có giá trị lý luận để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và áp dụng trong nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày nay.
Chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình dành cho Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám, ông Vũ Công Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Là một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng, tầm nhìn chiến lược vừa bao quát, vừa cụ thể, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã lãnh đạo ngành Văn hóa vượt qua khó khăn, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Nét nổi bật trong sự nghiệp của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là sớm nhận thức được vai trò của di tích, di vật (nay gọi là di sản văn hóa) trong đời sống xã hội, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm tư, tình cảm của nhân dân trong bối cảnh xã hội nước ta có nhiều biến đổi. 117 di tích trên cả nước được công nhận trong thời gian ông làm Bộ trưởng, đều là những di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đến nay, những di tích này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị, đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
|
Tọa đàm là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa nhằm ôn lại những đóng góp lớn lao của Giáo sư Hoàng Minh Giám cho sự nghiệp cách mạng, dân tộc ở nhiều góc độ khác nhau (Ảnh: Văn Duy) |
Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám cũng là người cha rât mực thương con. Nhớ về cha, Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang cho biêt: công tác bận là thế nhưng cha tôi đủ thời gian thể hiện tình thương vô hạn đối với các con. Hồi đó chỉ mới 3 - 4 tuổi nhưng mỗi lần cha đi công tác, tôi dành bằng được chiếc gối của ông để có được "mùi ba" khi ngủ.
Mỗi khi về nhà thấy em gái tôi Hoàng Vĩnh Hảo (bị yếu tim bẩm sinh), ho hen, quặt quẹo, ông rất buồn và luôn tìm nhờ mua các loại thuốc tốt cho con uống. Đặc biệt, tình thương của ông với em gái út của chúng tôi là Hoàng Vĩnh Hạnh thì không bút mực nào kể hết.
Tọa đàm "Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám" là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa nhằm ôn lại những đóng góp lớn lao của Giáo sư Hoàng Minh Giám cho sự nghiệp cách mạng, dân tộc ở nhiều góc độ khác nhau đồng thời học tập tấm gương sáng của Giáo sư để kế tục, phát huy sự nghiệp của ông trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng, gốc ở xứ Đông Bình, Gia Bình, Bắc Ninh. Dòng tộc giáo sư Hoàng Minh Giám có rất nhiều người giữ các chức vụ cao trong các triều đại phong kiến Việt Nam như: Quan Thượng thư Bộ lễ Hoàng Phạm Thạch (1795 - 1849) và Quan Thượng thư Bộ lễ Hoàng Tướng Hiệp (1835 - 1885). Ông ngoại ông là Quan Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục, cha ông là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Truyền thống hiếu học và khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao đã hun đúc trong Giáo sư Hoàng Minh Giám lòng yêu nước nồng nàn.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng nhiều trí thức yêu nước khác, Hoàng Minh Giám được mời tham gia bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới được thành lập. Từ đó, Hoàng Minh Giám luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Dù trên cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám là người đồng chí, người bạn chiến đấu trung thành và thủy chung. Đại tướng huyền thoại dành cho ông những lời khen ngợi "Như là một trí thức chân chính, Hoàng Minh Giám đã khước từ đời sống phong lưu chốn thị thành , một lòng một dạ đi theo kháng chiến, đi theo Bác Hồ với niềm tin sắc son vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc" hay "Các hoạt động ngoại giao của anh Hoàng Minh Giám bao giờ cũng mang dấu ấn đặc biệt với phong cách lịch lãm".
|
A.T