Trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2014, Bộ VHTTDL được giao chủ trì xây dựng Đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần VIII, năm 2018. Qua 3 lần nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung dự thảo Đề án, ngày 8/8/2014 Bộ VHTTDL đã gửi dự thảo Đề án, dự thảo tờ trình và dự thảo quyết định xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan. Đến nay, Bộ VHTTDL đã nhận được 16 văn bản đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành.
Tựu chung lại, Ban soạn thảo đã tiếp thu và giải trình tập trung vào 6 nhóm vấn đề. Trong đó, đáng chú ý Về địa điểm tổ chức môn thi đấu tại Đại hội: có ý kiến cho rằng giảm số tỉnh, thành tham gia tổ chức Đại hội, nên tập trung tại tỉnh đăng cai, các tỉnh, thành phố có các công trình thể thao đủ tiêu chuẩn tổ chức…
Giải trình vấn đề này, Ban soạn thảo đưa ra 3 phương án: Giữ nguyên các địa điểm tổ chức Đại hội theo dự thảo Đề án, gồm 11 tỉnh, thành phố trong đó An Giang là tỉnh đăng cai chính; Đại hội tổ chức tại 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang là tỉnh đăng cai chính; Tập trung tại tỉnh đăng cai và các tỉnh, thành phố có các công trình đủ tiêu chuẩn như Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An.
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: V.Duy) |
Về cơ sở vật chất, quy mô đầu tư và kinh phí đầu tư, có ý kiến cho rằng cần rà soát, thống kế các hạng mục có thể sử dụng, các hạng mục cần xây mới, phương án sử dụng hiệu quả sau Đại hội… Đối với vấn đề này, Ban soạn thảo cho biết An Giang đã có kế hoạch chi tiết cho từng hạng mục các công trình có sẵn hoặc nâng cấp, cải tạo, xây mới. Sau Đại hội, các công trình này sẽ phục vụ công tác giảng dạy về giáo dục thể chất, nhà thi đấu đa năng sẽ là nơi tập luyện và tổ chức thi đấu các giải thể thao từ trong nước đến quốc tế…
Ngoài ra, các ý kiến về Số lượng các môn thi đấu; Kinh phí thực hiện đề án; Thẩm quyền của Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Đại hội đều được Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình một cách cụ thể, chi tiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn đề nghị Ban soạn thảo sau khi tiếp thu các ý kiến, giải trình một cách rõ ràng và thuyết phục; đồng thời lưu ý Ban soạn thảo trong các phương án giải trình cần tập trung vào một phương án nhằm tăng tính thuyết phục. Trước khi trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem, phê duyệt, ông Phạm Văn Tuấn đề nghị Ban soạn thảo cần trình bày thêm một lần nữa với Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng. Ngoài ra, ông Phạm Văn Tuấn cũng đề nghị Văn phòng Tổng cục TDTT phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo để sớm hoàn chỉnh tất cả các văn bản, giấy tờ, hồ sơ liên quan đến Đề án.
M.Đ