Báo cáo Thứ trưởng Lê Khánh Hải về công tác quản lý nhà nước đối với các Hội thể thao quốc gia

Sáng 8/8/2014, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục TDTT, Vụ Tổ chức Cán bộ và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với các hội Thể thao quốc gia (TTQG).

Thứ trưởng Lê Khánh Hải nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với các Hội thể thao quốc gia  (Ảnh: Y Trang)
Theo đó, tính tới thời điểm hiện tại, ở nước ta có 25 hội TTQG trong đó có 2 tổ chức xã hội về Thể dục thể thao (TDTT) là Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam và 23 tổ chức xã hội, nghề nghiệp về TDTT là các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cấp quốc gia của từng môn hoặc một nhóm môn thể thao bao gồm: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Điền kinh, Liên đoàn Thể dục, Hiệp hội Thể thao dưới nước, Liên đoàn Bắn súng, Liên đoàn Bóng bàn, Liên đoàn Xe dạp - mô tô thể thao, Liên đoàn Đua thuyền, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền, Liên đoàn Cầu mây, Liên đoàn Teakwondo, Liên đoàn Judo, Liên đoàn Bóng rổ, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Cờ, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Bóng ném, Hiệp hội Golf, Hiệp hội thể thao điện tử giải trí, Hiệp hội thể thao Bridge và Poker (mới có quyết định thành lập 16/7/2014, chưa tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội).

Các Hiệp hội quốc gia được thành lập đã đi vào hoạt động nền nếp, có những đóng góp tích cực, thiết thực trong phát triển sự nghiệp TDTT, đặc biệt là lĩnh vực TTTTC. Các Liên đoàn, Hiệp hội đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Những năm qua, hầu hết các Hội TTQG đều dành phần lớn nguồn lực để tổ chức và phối hợp với các cơ quan nhà nước để triển khai hoạt động chuyên môn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được quy định tại Luật TDTT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tổ chức và hoạt động của các Hội TTQG còn hạn chế về cơ cấu, số lượng ủy viên BCH (phần lớn dàn trải theo đại diện vùng, miền) nhiều. Hoạt động của các hội chủ yếu thông qua văn phòng hội và bộ phận thường trực của BCH Liên đoàn. Hầu hết các hội TTQG không có hội viên hoặc tổ chức thành viên mà mới chỉ có BCH. Việc xây dựng trang thông tin điện tử (website), báo, tạp chí, diễn đàn online để trao đổi, tương tác thông tin giữa tổ chức hội và hội viên, người hâm mộ, báo chí là hết sức cần thiết nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức....

Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trên là do còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của các hội TTQG. Phân cấp quản lý nhà nước đối với các hội TTQG còn chưa rõ, đôi lúc gây ra tình trạng chồng chéo, buông lỏng trong quản lý dẫn tới thiếu kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các hội...

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao nội dung của bản báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với các hội TTQG đặc biệt là những đóng góp tích cực, thiết thực trong phát triển sự nghiệp TDTT của các hội TTQG.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung như sau: tổng hợp các ý kiến đóng góp cho bản báo cáo; Rà soát, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc thành lập, hoạt động, cơ cấu tổ chức... của các hội TTQG để từ đó xây dựng hành lang pháp lý góp phần quản lý hiệu quả các hội TTQG trong thời gian tới; Bổ sung đánh giá về tổ chức, hoạt động của từng hội TTQG...

Thứ trưởng nhấn mạnh, để công tác quản lý nhà nước đối với các hội TTQG được thực hiện thực sự hiệu quả, cần xây dựng lộ trình quản lý cụ thể cũng như thực hiện một cách nghiêm túc lộ trình này. Bên cạnh đó, nghiên cứu tổ chức các Hội thảo, lấy ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ, giải quyết các hạn chế; xây dựng giải pháp kiện toàn bộ máy quản lý các hội TTQG góp phần làm cho ngành TDTT ngày càng lớn mạnh.

A.T

Ảnh trong bài
  • Báo cáo Thứ trưởng Lê Khánh Hải về công tác quản lý nhà nước đối với các Hội thể thao quốc gia