Đề án được triển khai nhằm xác định rõ hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL theo cấp quốc gia và cấp vùng. Từ đó, cụ thể hóa, hướng dẫn phát triển sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của vùng và giúp nâng cao sức cạnh tranh của du lịch vùng ĐBSCL.
Theo một số chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – đơn vị xây dựng Đề án, giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc và có tính đại diện cho toàn vùng ĐBSCL tạo sự khác biệt giữa vùng ĐBSCL với các vùng du lịch khác trong cả nước chính là “Thế giới sông nước”. Trong thế giới này, những giá trị như: cảnh quan; đời sống sinh hoạt truyền thống và sinh kế của người dân vùng ĐBSCL; Hệ sinh thái đất ngập nước vùng ĐBSCL; Giá trị văn hóa truyền thống và tâm linh cần phải được tập trung khai thác triệt để nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
Từ đó, Dự thảo Đề án đề xuất hệ thống sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL cấp quốc gia gồm: Tham quan trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; Du lịch sinh thái: tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa bản địa ở các sinh cảnh tiêu biểu của hệ sinh thái đất ngập nước vùng ĐBSCL; Trải nghiệm các giá trị văn hóa tiêu biểu vùng ĐBSCL, tiêu biểu là Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; Du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên; Nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm sông Vàm Cỏ…
Tại cuộc họp, đa số các ý kiến đóng góp cho rằng, để Đề án này phát huy được hiệu quả thì còn phải tính đến nhiều vấn đề như: Hạ tầng kết nối; Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL;…
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất lại là vai trò của người đứng đầu điều phối phát triển vùng ĐBSCL; Cơ cấu hoạt động và cơ chế làm việc của Ban điều phối để có thể nâng cao tính liên kết trong vùng, khai thác tối đa hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL.
Trả lời vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù không thể phân phối đều cho các tỉnh thành trong vùng, do vậy mỗi địa phương cần chọn ra sản phẩm du lịch nổi bật nhất để tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn. Ngoài những điểm đến chính thì còn có những điểm đến phụ, có vai trò hỗ trợ cho nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch của vùng”.
Trên tinh thần đồng tình và ghi nhận những ý kiến góp ý tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc xây dựng Đề án này có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục một số điểm yếu của du lịch vùng ĐBSCL, phát huy giá trị của sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Ban điều phối sẽ đóng vai trò quan trọng nên cần xây dựng mô hình phù hợp nhất, đảm bảo có thể đưa ra những định hướng chính xác, nhanh và kịp thời.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch kết hợp cần sớm hoàn thiện Dự thảo Đề án để có thể đưa ra lấy ý kiến góp ý của các lãnh đạo UBND tỉnh thành vùng ĐBSCL, doanh nghiệp lữ hành tại Cần Thơ, có thể trong thời gian từ 15 đến 20/8 để hoàn thiện trên sự đồng thuận cao nhất trước khi được phê duyệt.
Trúc Ngân