Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Việc kiểm tra, xử lý văn bản; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định từ Khoản 1 đến Khoản 22 Điều 3 Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi chung là cơ quan thuộc Bộ); các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
Thông tư quy định các loại văn bản thuộc thẩm quyền tự kiểm tra của Bộ trưởng Bộ VHTTDL gồm: Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành dưới hình thức Thông tư, Thông tư liên tịch với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác hoặc với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trình tự thực hiện kiểm tra đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành dưới hình thức Thông tư, Thông tư liên tịch với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác hoặc với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm gửi Bộ VHTTDL 01 bản để kiểm tra.
Đối với các văn bản do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành hoặc liên tịch ban hành có chứa quy phạm pháp luật; văn bản do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch hoặc do Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL ban hành; văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Chủ tịch UBND, Thường trực HĐND, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản hoặc yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các cơ quan thông tin đại chúng về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các cơ quan thuộc Bộ có trách nhiệm thông báo và chuyển các tài liệu có liên quan cho Vụ Pháp chế để tổ chức kiểm tra.
Thông tư nêu rõ các yêu cầu đối với Cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản gồm: Có trình độ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết về một hoặc các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Có kinh nghiệm về công tác xây dựng và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; Có thâm niên công tác thuộc lĩnh vực đang đảm nhiệm từ 03 năm trở lên.
Cộng tác viên có thể được lựa chọn ở các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL hoặc các cơ quan, tổ chức khác.Cộng tác viên phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: Có trình độ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết về một hoặc các lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; có kinh nghiệm về công tác xây dựng và kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản; có thâm niên công tác thuộc lĩnh vực đang đảm nhiệm từ 03 năm trở lên.
A.T