Mục đích của Hội nghị được tổ chức trong dịp này nhằm phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến Pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến Pháp; bảo đảm Hiến Pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh; rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Thông qua Hội nghị, còn nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL trong việc giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm.
|
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì Hội nghị (Ảnh:Y Trang) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu các đại biểu, đơn vị tham dự Hội nghị tiếp thu nghiêm túc các thông tin được phổ biến tại Hội nghị về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Từ đó, tổ chức triển khai hiệu quả việc thi hành Hiến Pháp này đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị ban hành các văn bản chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt, phổ biến thi hành Hiến pháp. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của tất cả các cấp, ngành, toàn thể nhân dân, từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, cần kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội.
|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu tập trung vào các nội dung chính như: Tổ chức giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến Pháp; Tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL...
Theo chia sẻ của TS.Hoàng Văn Tú - Phó Vụ trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có nhiều điểm mới và được rút ngắn hơn so với Hiến Pháp năm 1992 Cụ thể: tại Hiến pháp năm 1992 có 12 chương và 140 điều nhưng ở Hiến pháp năm 2013 đã được rút gọn hơn còn 11 chương và 120 điều.
Tại Hội nghị, TS. Hoàng Văn Tú đã truyền đạt nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 đến các đại biểu tham dự ở cả 3 đầu cầu. Ngoài việc rút gọn hơn về mặt văn bản, về mặt nội dung Hiến pháp 2013 vừa kế thừa các giá trị to lớn của Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng phát triển đã được khẳng định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp mới có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
N. H