|
Ông Theodore Young Lee chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế (Ảnh: Y Trang) |
Mở đầu buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành chia sẻ: việc các chuyên gia kinh tế Vương quốc Anh có mặt tại buổi tọa đàm để cùng trao đổi về kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam thực sự rất có ý nghĩa, đặc biệt khi Việt Nam vẫn còn đang lúng túng trong công tác chuẩn bị tổ chức, kinh phí, cơ sở hạ tầng...
Tại buổi tọa đàm, ông Theodore Young Lee đã chia sẻ về sự phát triển của Hàn Quốc cũng như thành phố Vancouver, Canada sau khi tổ chức các sự kiện thể thao lớn như Asiad và Olympic. Theo đó, ông đã sử dụng các hình ảnh để chứng minh về sự chuyển mình mạnh mẽ của Hàn Quốc cũng như thành phố Vancouver, Canada. Đối với Hàn Quốc, trước năm 1986, có lẽ người dân trên thế giới chỉ biết tới xứ sở Kim Chi qua cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc. Nhưng ngay sau khi đăng cai Asiad năm 1986 và Olympic 1988, Hàn Quốc đã thực sự "thay da đổi thịt" và khiến thế giới phải ngạc nhiên về tốc độ phát triển của mình.
Thành công là thế nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Ngay từ những ngày đầu được nhận quyền đăng cai, Hàn Quốc cũng vấp phải những khó khăn ban đầu như Việt Nam hiện nay. Đó là sự thiếu hụt kinh phí, sự hoài nghi trong dân chúng về khả năng tổ chức thành công sự kiện. Thế nhưng, Hàn Quốc đã tháo gỡ mọi khó khăn bằng cách tận dụng tối đa nguồn thu xã hội hóa cũng như giúp người dân hiểu được những lợi ích lâu dài mà các công trình phục vụ Asiad hay Olympic mang lại. Hơn thế nữa, việc dành thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức cũng như sử dụng, khai thác các công trình hậu Asiad, Olympic một cách hiệu quả từ các quốc gia có kinh nghiệm là chìa khóa mang đến thành công cho Hàn Quốc.
|
Biểu đồ tăng trưởng của Hàn Quốc sau khi đăng cai các sự kiện Asiad năm 1986, Olympic 1988.... (Ảnh: Y Trang) |
Chia sẻ kinh nghiệm thành công cùng bài học được rút ra từ việc tổ chức Olympic Luân Đôn 2012, Sochi Olympic 2014 và FIFA World Cup 2010 tại Nam Phi, ông Graham Ellis cũng cho biết: sau Olympic Luân Đôn 2012, các công trình xây dựng ở phía Đông vẫn được khai thác tối đa để phục vụ cộng đồng và tạo nguồn thu cho chính phủ. Đối với Việt Nam, để tổ chức tốt Asiad 18 năm 2019 cũng như các sự kiện thể thao lớn khác một cách thành công, việc xem xét lại kế hoạch tổng thể là cần thiết nhằm tìm ra các phương án khả thi, sáng tạo, tiết kiệm trong cách sử dụng các công trình sẵn có và cả công trình xây mới sau khi Asiad kết thúc, tránh gây lãng phí.
Ông Graham Ellis cũng tin rằng, với 5 năm chuẩn bị và làm tốt 3 vấn đề: xem xét hiện trạng thực tế, thành lập Ủy ban Asian Games mà không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức nào và lên kế hoạch, thực hiện ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Asiad 18 năm 2019.
Russell Partnership (Vương Quốc Anh) có liên quan mật thiết và đã thành công trong công tác tổ chức các sự kiện lớn như: Olympic Luân Đôn năm 2012, Sochi Olympic năm 2014, Rio Olympic năm 2016, FIFA World Cup châu Mỹ năm 2010, FIFA World Cup Brazil năm 2014, FIFA World Cup năm 2018 và FIFA World Cup Qatar 2022.
Mastpro Group (Canada) có kinh nghiệm làm việc với chính phủ và các nhà đầu tư để thực hiện các dự án liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, tìm kiếm và liên kết với các chuyên gia để thành công thực hiện các dự án.
Russell Partnership (RP Global) từ Vương Quốc Anh và Mastpro Group từ Canada hợp tác thành lập Liên doanh Russell Mastpro Việt Nam (Russell Mastpro Partnership Việt Nam) để ủng hộ Việt Nam tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019 tại Hà Nội.
|
A.T