Tại buổi làm việc, nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về hoạt động TDTT trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã giới thiệu khái quát về những thành tựu cũng như những khó khăn, vướng mắc mà thể thao thành tích cao đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, trong những năm qua, thể thao thành tích cao luôn xác định SEA Games, ASIAD và Olympic là 3 đấu trường thể thao quan trọng nhất. Đối với đấu trường SEA Games, thể thao Việt Nam luôn nằm trong Top 3 quốc gia đứng đầu khu vực. Đây là bệ phóng để giúp cho thể thao thành tích cao vươn lên đấu trường ASIAD và Olympic. Tại SEA Games vừa qua (SEA Games 27), trong 73 HCV giành được có đến 54% số lượng HCV thuộc về các môn Olympic, đây là điều đáng khích lệ cho thể thao Việt Nam. Nhiều VĐV Việt Nam đã giành được những thành tích cao ở các giải đấu cấp châu lục và thế giới, điển hình VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Lê Quang Liêm, Lý Hoàng Nam, Nguyễn Tiến Minh,…
|
Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng báo cáo về những thành tựu và khó khăn của thể thao thành tích cao (Ảnh: Y Trang) |
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các nước ở châu lục và thế giới khi thành tích của thể thao Việt Nam chỉ nằm trong Top giữa tại các kỳ ASIAD. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thành tích của TTVN chưa cao ở đấu trường châu lục và thế giới, đó là do: còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo HLV khi chương trình đào tạo HLV ở Việt Nam còn kém hơn so với các nước trên thế giới, dẫn đến ít HLV Việt Nam có trình độ huấn luyện quốc tế.
Công tác đào tạo VĐV cũng gặp nhiều khó khăn khi hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện còn thiếu và lạc hậu, kể cả những thành phố lớn như Hà Nội thì hệ thống cơ sở vật chất chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tập luyện của các VĐV. Bên cạnh đó, ở các địa phương do nguồn kinh phí dành cho thể thao còn ít, số lượng HLV còn thiếu và yếu nên dẫn đến việc đào tạo VĐV chỉ tập trung đào tạo, huấn luyện từ 12 đến 15 môn thể thao. Chế độ chính sách, đãi ngộ cho HLV, VĐV còn thấp nên chưa thu hút được nhiều nhân tài cho thể thao.
Không những thế, công tác nghiên cứu khoa học còn phân tán, lực lượng đội ngũ cán bộ làm khoa học trong lĩnh vực TDTT còn mỏng, chưa áp dụng được khoa học công nghệ trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ cũng như trong công tác huấn luyện VĐV đỉnh cao….
|
Ông Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát (Ảnh: Y Trang) |
Nhân dịp này, để công tác thể thao đạt được kết quả tốt hơn, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã kiến nghị, đề xuất với đoàn khảo sát, đó là: Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đến công tác chuẩn bị cho ASIAD 18, cần sớm ban hành Đề án tổ chức ASIAD 18 để làm tiền đề cơ sở triển khai các công việc tiếp theo như thành lập BCĐ, BTC Đại hội; Quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho thể thao thành tích cao, khoa học công nghệ TDTT; Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí để triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 và xem xét cho xây dựng Đề án sổ số thể thao (Đây là hình thức mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện rất thành công),…
Chia sẻ những khó khăn mà thể thao Việt Nam đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Tuyết ghi nhận những thành tích đã đạt được của Thể thao thành tích cao, đồng thời cũng đề nghị trong thời gian tới, Tổng cục TDTT cần tiếp tục tăng cường công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cần xây dựng những Đề án, chương trình cụ thể để phát triển thể thao thành tích cao. Đặc biệt đối với công tác chuẩn bị cho ASIAD 18 năm 2019, cần tăng cường công tác tuyên truyền cũng như tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV để giành thành tích cao nhất.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn của thể thao thành tích cao, trong thời gian tới, đoàn khảo sát Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về những khó khăn và những đề xuất, kiến nghị để tìm ra những giải pháp thiết thực đưa thể thao thành tích cao nói riêng về thể thao nước nhà nói chung tiến xa hơn.
V.A