Theo đó, để tổ chức thành công Ngày hội, góp phần vảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, ủng hộ, phối hợp và chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tỉnh để huy động cộng đồng dân tộc Mông của tỉnh Lai Châu về tham gia các hoạt động của Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đồng thời tái hiện Hội đua ngựa đầu Xuân tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Cụ thể, huy động từ 30 - 40 người gồm: người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, thanh niên điển hình tiên tiến…) và nghệ nhân dân tộc Mông cùng khoảng 10 - 15 ngựa đua tham gia tái hiện Hội đua ngựa đầu Xuân tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đây là hoạt động nổi bật trong các hoạt động đầu năm, đồng thời góp phần quảng bá tới nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về một lễ hội văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu. Hội đua ngựa đầu Xuân của đồng bào Mông là biểu hiện của tinh thần phóng khoáng, dũng mãnh và tự tin của chàng trai người Mông. Đồng thời, qua hội đua này, người Mông muốn thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan đối với lao động, sản xuất, đồng thời cũng thể hiện tinh thần thượng võ của những người con Tây Bắc.
Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Lai Châu cũng sẽ tham gia vào một số các hoạt động tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Từ ngày 15 đến ngày 17/02/2014 (tức ngày 16 - 18 tháng Giêng), Bộ VHTTDL phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương có liên quan tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” để mừng Đảng, mừng Xuân mới Giáp Ngọ 2014, đồng thời để đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đây là hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm của Bộ VHTTDL với mục đích bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam qua việc tái hiện các lễ hội, lễ Tết truyền thống, các phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, góp phần giao lưu, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
|
A.T