1.Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị tiền đề đẩy mạnh phát triển thể thao Việt Nam
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 là Nghị quyết đầu tiên được ban hành về công tác TDTT. Đây là định hướng chung cho kế hoạch phát triển TDTT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Năm 2013 là năm thứ 2 toàn ngành TDTT triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và sau hơn 2 năm tiến hành triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác TDTT ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vai trò và tác dụng của TDTT đã được nâng cao hơn một bước. Các địa phương đã lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển thể dục, thể thao vào văn kiện của đại hội Đảng các cấp, vào Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo thống kê của Tổng cục TDTT, hiện đã có hơn 52 địa phương đã ban hành các Chương trình hành động, Chỉ thị, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, số địa phương còn lại đang trong quá trình hoàn thiện các văn bản liên quan.
2. Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT và Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Trong năm 2013, nhiều Đề án quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của nền thể dục thể thao đã được ban hành, trong đó đáng chú ý là 2 Đề án: Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020. Việc 2 Đề án này được ban hành sẽ là một “cú hích” mới, tạo nên sự phát triển và đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật về TDTT cũng như đề ra những chiến lược, mục tiêu cụ thể cho con đường phát triển của thể thao nước nhà. Cũng trong năm 2013 ngành TDTT đã xây dựng và ban hành 12 văn bản, Đề án và 11 Thông tư quy định về hoạt động thể thao đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thể thao nước nhà.
3. Đại hội TDTT các cấp tạo đà cho sự phát triển sâu, rộng của thể dục thể thao quần chúng
Theo thống kê của Tổng cục TDTT, tính đến ngày 30/12 đã có 10151/11093 xã tổ chức xong đại hội TDTT cấp xã, đạt 91,5%; 319/674 huyện tổ chức xong đại hội TDTT cấp huyện, đạt 74%; 10/63 tỉnh, thành đã tổ chức xong đại hội TDTT cấp tỉnh, đạt 15,8%. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, song Đại hội TDTT các cấp đều được các tỉnh, thành phố, các ngành đặc biệt chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi để Đại hội TDTT được tổ chức thành công, đều có sự chuyển biến cả về quy mô và chất lượng tốt hơn so với những lần Đại hội TDTT trước đây. Mỗi Đại hội TDTT cơ sở thu hút hàng nghìn người hâm mộ cổ vũ, cùng hàng trăm VĐV tham gia thi đấu.
4.Thể thao Việt Nam giành vị trí thứ 3 toàn đoàn tại AIMAG 4 và SEA Games 27
Mở đầu cho những chuỗi thành công này là vị trí thứ 3/45 quốc gia tham dự tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần thứ 4, chỉ đứng sau 2 cường quốc thể thao ở châu lục là Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây có thể coi là thành công vượt bậc của đoàn TTVN kể từ khi tham dự các kỳ Đại hội thể thao Trong nhà và Đại hội thể thaoVõ thuật từ trước tới nay.
SEA Games 27, TTVN không chỉ vượt chỉ tiêu tại đề ra với 73 HCV, xếp vị trí thứ 3 chung cuộc mà còn chứng tỏ sự đầu tư đúng đắn với mục tiêu hướng đến đấu trường cao hơn là ASIAD và Olympic. Tại kỳ SEA Games này, TTVN đã giành được 47 HCV ở các môn Olympic trong tổng số 73 HCV, đạt tỷ lệ 64,3%, cao hơn Indonesia (56,9%) và Myanmar (30,2%). Điểm đặc biệt tại kỳ SEA Games 27 lần này có tới 62% là các VĐV trẻ, trong đó nhiều VĐV trẻ tỏa sáng như Lâm Quang Nhật (16 tuổi), Ánh Viên (17 tuổi), Nguyễn Thị Oanh (17 tuổi)... Bên cạnh đó, tham dự kỳ SEA Games này, TTVN đã hoàn thành tốt sứ mạng giao lưu, thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
5. Thể thao Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế
Theo báo cáo của Tổng cục TDTT, chỉ tính riêng trong năm 2013 TTVN đã tiến hành ký kết 8 thoả thuận hợp tác với các quốc gia và các liên đoàn, hiệp hội thể thao trên thế giới nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT. Đáng chú ý trong đó có nhiều biên bản ký kết tài trợ và hỗ trợ của các quốc gia trong việc đạo tạo VĐV, HLV như: ký thoả thuận chương trình hợp tác với Uỷ ban Olympic Áo, Uỷ ban Olympic Hungary; ký kết với Tập đoàn CJ, Hàn Quốc về chương trình tài trợ cho Taekwondo Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019; biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục TDTT - Khu Liên hợp thể thao quốc gia - Công ty VSP và KSPO của Hàn Quốc về quảng bá, tuyển chọn, đào tạo và phát triển VĐV, HLV môn đua xe đạp lòng chảo; ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Công nghiệp nặng Doosan Hàn Quốc về hỗ trợ phát triển kỹ thuật cho đội tuyển Bắn cung quốc gia Việt Nam và giao lưu thi đấu hàng năm giai đoạn 2013 - 2019; ký kết giữa Liên đoàn Judo Việt Nam, Công ty Digital Planet và Báo Thể thao 24h về hỗ trợ phát triển Judo tại Việt Nam,...Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013, TTVN đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp điều trị chấn thương và đào tạo đội ngũ bác sỹ thể thao với Tập đoàn Y tế Sing Health của Singapore.
6. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội về TDTT
Trong năm 2013, TTVN đã thành lập thêm 2 Liên đoàn, Hiệp hội mới, đó là: Liên đoàn Bóng ném Việt Nam, Hiệp hội câu cá thể thao Việt Nam; xúc tiến thành lập Liên đoàn Karatedo Việt Nam, Liên đoàn Boxing Việt Nam. Cùng với đó, nhiều Liên đoàn, Hiệp hội đã tổ chức Đại hội các Liên đoàn như: Đại hội Hiệp hội Paralympic Việt Nam khoá IV, nhiệm kỳ 2013 -2017; Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khoá IV, nhiệm kỳ 2013 - 2017; Đại hội Liên đoàn Taekwondo nhiệm kỳ IV (2013 - 2017). Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 7 vẫn chưa thể tổ chức Đại hội theo đúng thời gian quy định. Tính tới thời điểm hiện nay, Thể thao Việt Nam đã có 25 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia được thành lập (Ủy ban Olympic Việt Nam và 24 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia). Trong đó có 17 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thuộc lĩnh vực thể thao thành tích cao (chiếm tỷ lệ 70,9%) và có 07 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thuộc lĩnh vực thể thao cho mọi người (chiếm tỷ lệ 29,1%).
7.Các VĐV Việt Nam đã giành được những tấm HCV thế giới lần đầu tiên
Lê Quang Liêm (HCV nội dung Cờ chớp giải vô địch thế giới), Hoàng Xuân Vinh (HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại Cúp Bắn súng thế giới) là những cái tên đã làm nên lịch sử cho Thể thao Việt Nam trong năm 2013 khi liên tiếp mang về cho Thể thao Việt Nam những tấm HCV danh giá trên đấu trường thế giới. Thành tích của Quang Liêm, Xuân Vinh cũng giúp cho Cờ vua và Bắn súng Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung tạo nên cột mốc mới sau nhiều năm tham dự các giải đấu thế giới.
8. Thể dục dụng cụ tiếp tục giành thành tích cao trên đấu trường thế giới
Năm 2013 là năm tiếp tục chứng kiến sự thành công của các VĐV đội tuyển TDDC Việt Nam trên đấu trường thể thao thế giới. Nhiều gương mặt VĐV đã giành những tấm HCV thế giới như: Phạm Phước Hưng giành ngôi vô địch nội dung xà kép tại Cúp thế giới tổ chức ở Slovenia, hay Phan Thị Hà Thanh giành ngôi vô địch nội dung nhảy chống nữ giải thể dục dụng cụ thế giới Challenge Doha (Qatar) và Nguyễn Hà Thanh cũng bước lên ngôi vị cao nhất ở nội dung nhảy chống nam tại Cúp thế giới ở Osijek (Croatia).
9. Thể thao trẻ lên ngôi
Năm 2013 có thể được coi là năm chứng kiến nhiều tài năng trẻ của thể thao Việt Nam đăng quang, giành được những thành tích ấn tượng ở đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Mở đầu là tấm HCV của tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam ở môn quần vợt tại đại hội thể thao trẻ châu Á. Đây là lần đầu tiên TTVN giành tấm HCV môn Quần vợt ở cấp châu Á. Đến tháng 10, Hoàng Nam vô địch tiếp giải U18 của ITF tại Bangkok (Thái Lan), leo lên đứng hạng 95 của ITF, trở thành tay vợt thiếu niên đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 100. Tiếp đến là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên gây sửng sốt cho các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á với 3 tấm HCV SEA Games 27, đấy là Lâm Quang Nhật thành công ở nội dung chẳng ai ngờ nhất (1.500m). Và còn nhiều gương mặt VĐV trẻ khác. Thành tích này của các VĐV trẻ đã phần nào chứng minh sự đầu tư đúng hướng của TTVN với mục tiêu đưa TTVN giành được những thành tích cao ở đấu trường ASIAD và Olympic trong những năm tiếp theo, đặc biệt là tại ASIAD 2019 khi Việt Nam là nước chủ nhà.
10. Bóng đá Việt Nam chưa thành công như mong đợi
Đội tuyển Bóng đá nam phải chia tay SEA Games ngày từ vòng bảng, đội tuyển nữ không bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games là những nốt nhạc buồn của Bóng đá Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung. Cùng với đó, là thất bại liên tiếp 5 trận của đội tuyển Bóng đá nam tại vòng loại Asian Cup 2015. Trong bức tranh tối màu đó, việc U19 thi đấu ấn tượng tại giải vô địch Đông Nam Á và việc giành được tấm vé tham dự VCK châu Á 2014 đã trở thành điểm sáng và là niềm hy vọng lớn cho Bóng đá Việt Nam trong tương lai.
BBT