Thông tư chỉ rõ tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức giải thi đấu Xe đạp thể thao phải xây dựng hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó, hướng dẫn kỹ thuật gồm các nội dung chủ yếu sau: sơ đồ kèm theo mặt cắt của đường đua có đánh dấu các điểm quan trọng trên đường đua; Bản đồ chi tiết khu vực xuất phát, đích hoặc khu vực thi đấu. Đồng thời, có trách nhiệm gửi hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia điều hành, thi đấu giải. Thời gian gửi hướng dẫn kỹ thuật ít nhất 30 ngày trước ngày khai mạc giải.
Điều kiện chung về địa điểm thi đấu: Có đường đua, sân đua phù hợp với tính chất và quy mô của giải đấu theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 8 của Thông tư này. Địa điểm tổ chức thi đấu phải có khu vực khởi động, khu vực vệ sinh, thay đồ, để xe. Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các địa điểm thi đấu và địa điểm tổ chức các buổi lễ chính thức theo quy định của pháp luật.
Điều kiện về trang thiết bị: Có thiết bị liên lạc cho các thành viên tổ chức và điều hành giải đấu. Có máy quay phim ghi lại quá trình thi đấu. Có phương tiện di chuyển cho các thành viên tổ chức, điều hành và các đội trong quá trình thi đấu. Có các trang thiết bị phục vụ bộ phận trọng tài điều hành giải và hướng dẫn đoàn đua gồm: cờ, chuông, còi, bảng báo giờ, báo vòng, băng xuất phát, băng đích, thiết bị kiểm tra độ an toàn, kích thước và trọng lượng của xe thi đấu.
Điều kiện về y tế: Vận động viên tham dự thi đấu phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe thi đấu thể thao của bệnh viện đa khoa từ cấp tỉnh trở lên theo quy định của Điều lệ giải. Đối với các cuộc đua Xe đạp địa hình, phải bố trí điểm cấp cứu tại các khu vực nguy hiểm trên đường đua; đảm bảo thuận lợi cho xe cứu thương di chuyển.
Trọng tài điều hành giải trong hệ thống giải thể thao thành tích cao cấp quốc gia phải được Liên đoàn Xe đạp -Mô tô thể thao Việt Nam công nhận và triệu tập làm nhiệm vụ. Số lượng trọng tài mô tô: tối thiểu 1 trọng tài/5 vận động viên nhưng không được ít hơn 30 trọng tài mô tô. Đối với các cuộc thi đấu do địa phương, ngành tổ chức: Trọng tài điều hành giải phải được Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao địa phương hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận và triệu tập.Số lượng trọng tài mô tô tối thiểu là 25 trọng tài.
Tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức giải thi đấu Xe đạp thể thao có trách nhiệm báo cáo hoặc xin phép tổ chức giải bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.
Ban Tổ chức giải có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch tổ chức, chương trình, lịch trình và lộ trình thi đấu; đảm bảo an toàn và các yêu cầu chuyên môn; Phối hợp với các cơ quan Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin – truyền thông và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo công tác an toàn, trật tự, công tác y tế, sơ cứu, cấp cứu trong quá trình thi đấu, công tác tuyên truyền, quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
Thông tư quy định một số nội dung quản lý tổ chức hoạt động thi đấu Mô tô thể thao
Ngày 18/12/2013, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 13/2013/TT-BVHTTDL quy định một số nội dung quản lý tổ chức hoạt động thi đấu Mô tô thể thao. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thi đấu Mô tô thể thao tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức giải thi đấu Mô tô thể thao phải xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật quy định rõ sơ đồ và chi tiết kỹ thuật sân thi đấu.
Tổ chức, cá nhân đứng ra chức giải thi đấu Mô tô thể thao có trách nhiệm gửi hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia điều hành, thi đấu giải. Thời gian gửi hướng dẫn kỹ thuật ít nhất 30 ngày trước ngày khai mạc giải.
Trong bản Thông tư đã đưa ra các điều kiện chung về địa điểm thi đấu: Có sân đua phù hợp với tính chất và quy mô của giải đấu theo quy định tại các Điều 5 và 6 của Thông tư này; Địa điểm tổ chức thi đấu phải có khu vực khởi động, khu vực vệ sinh, thay đồ, để xe; Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các khu vực thi đấu và địa điểm tổ chức các buổi lễ chính thức theo quy định của pháp luật.
Sân thi đấu Mô tô trong sân: Đường đua có chiều dài từ 400m đến 500m (đo từ mép trong của đường đua); mặt sân được làm bằng nhựa asphant hoặc bằng đất, bằng phẳng và có chiều rộng tối thiểu là 5m; trường hợp có nhiều hơn 4 vận động viên thi đấu một lượt thì chiều rộng đường đua tối thiểu là 6m.
Sân thi đấu Mô tô địa hình: Đường đua có chiều dài tối thiểu là 800m, chiều rộng tối thiểu là 6m, gồm các phần đường thẳng và các khúc cua. Mặt đường đua được làm bằng đất, sỏi hoặc cát theo yêu cầu kỹ thuật và tốc độ thi đấu.
Điều kiện về trang thiết bị: Có thiết bị liên lạc cho các thành viên tổ chức và điều hành giải đấu; Bố trí tối thiểu 04 máy quay phim ghi lại toàn bộ quá trình thi đấu; Có các bảng báo hiệu theo quy định của Luật thi đấu Mô tô thể thao, Điều lệ giải, Quy chế thi đấu Mô tô thể thao; Có các trang thiết bị phục vụ bộ phận trọng tài điều hành cuộc đua gồm: cờ, còi, bảng báo vòng, băng xuất phát, băng đích, thiết bị kiểm tra an toàn và dung tích của xe; Trường hợp có sử dụng cửa xuất phát thì cửa xuất phát phải có chiều cao tối thiểu 50cm với độ dốc không lớn hơn 90 độ (90o), thiết kế để giữ được bánh xe của vận động viên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
N. H tổng hợp