Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” là một trong những hoạt động kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2013), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2013). Đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc tốt đẹp đến đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước đồng thời gửi lời thăm hỏi ân cần nhất tới đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai vừa qua, đồng bào ở xa Tổ quốc, các chiến sỹ ở vùng biên cương, hải đảo.
Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chủ tịch nước mong rằng cả nước sẽ làm hết sức mình để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Từ khi thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để Đảng ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Để xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”.
|
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ khai mạc (Ảnh: Minh Ước) |
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” có sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc gồm 400 người đến từ 13 tỉnh, thành như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang.
Đặc biệt, nhiều lễ hội đặc sắc sẽ được tái hiện trong khuôn khổ tuần lễ này như: không gian văn hóa Chợ nổi Nam Bộ; Chợ vùng cao phía Bắc; Hội đua bò Bảy Núi; Lễ hội Ok Om Bok; Lễ hội Nàng Hai; Lễ mừng nhà mới; Nghi lễ cưới của người H’Mông; Lễ Kết nghĩa của dân tộc Mơ Nông và Ê đê…
Ngoài ra, Tuần lễ cũng sẽ có nhiều chương trình, hoạt động khác như Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên; Chương trình giao lưu đoàn kết các dân tộc; Triển lãm, giới thiệu Văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số trong giai đoạn hiện nay”; Các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc.
N.H