Dấu ấn đặc biệt
Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp được toàn thế giới ngưỡng mộ và kính trọng. Giới quân sự phương Tây, các Thống soái, Thống chế, tướng lĩnh 4, 5 sao của nhiều quốc gia kính phục, nhất là các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Đặc biệt Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Anh Quốc, Nhật Bản, Úc, Đại Hàn Dân Quốc, Thái Lan… cùng các nước từng tham dự chiến tranh Đông Dương, đem quân vào xâm lược Việt Nam các thời kỳ 1939-1945, 1946-1954, 1955-1975 đều nể phục nghệ thuật chỉ đạo quân sự tài ba kiệt xuất của Tướng Giáp.
Với Thể dục thể thao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người chỉ đạo sâu sát, quan tâm chăm sóc từng bước phát triển và trưởng thành của phong trào TDTT toàn quân. Việc rèn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, du kích, tự vệ… được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng. Những năm giữ trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, ông không chỉ chăm lo xây dựng các đội tuyển vận động viên (VĐV) quân đội mà còn có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển các môn thể thao đỉnh cao, các môn thể thao chuyên sâu phục vụ quốc phòng như: Hàng không, Nhảy dù, Tàu lượn, Mô hình máy bay điều khiển từ xa; Hàng hải; Vô tuyến điện; Mô tô…
Đoàn Thể dục thể thao Quân Đội (Thể Công) ra đời ngày 23-9-1954, Trường Trung cấp TDTT Trung ương được đặt ở Rừng Sặt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh- nay là Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, thị xã Từ sơn, Bắc Ninh là hai trong những tình cảm của Đại tướng dành cho TDTT trở thành dấu ấn mãi mãi không thể nào quên.
Xây dựng phong trào thể thao quân đội vững mạnh
Đầu năm 1956, Bác Hồ và Trung ương Đảng, chính phủ, quyết định tái thành lập Ngành TDTT. Mục đích nhằm cổ vũ toàn dân, toàn quân, nhất là thanh niên cả nước hăng hái rèn luyện thân thể để có sức khỏe, phục vụ công cuộc lao động xây dựng kiến thiết miền Bắc sau 9 năm kháng chiến chống pháp và sẵn sàng chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Việc đầu tiên, trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh sang nhận trọng trách Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương (1956-1960).
Cũng cùng thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử 250 cán bộ từ trung đội trưởng trở lên, có năng khiếu thể thao đại diện các quân khu, các sư đoàn, các quân binh chủng đưa ra nước ngoài học và tập luyện gần một năm “Đào tạo Trợ lý Thể dục thể thao” cho toàn quân.
Đầu năm 1960, tình hình mới đòi hỏi, hoạt động TDTT nước ta bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cho thành lập Ủy ban Thể dục Thể thao quốc gia. Một lần nữa Bộ Quốc phòng cử Trung tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang kiêm chức Chủ nhiệm TDTT.
Từ năm 1956, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội liên tiếp thành lập các đội tuyển: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Thể dục dụng cụ, 3 môn Thể dục quân sự, Mô tô thể thao, Bắn súng thể thao, Bơi lội… đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam hiên ngang bước tới các đấu trường thể thao quốc tế lớn ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latin, châu Phi…tranh tài. Những tấm huy chương vàng, bạc, đồng của thể thao Việt Nam trong các năm này đều do các VĐV quân đội đoạt được, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Một trong những huy chương quốc tế vẻ vang đó, phải kể đến tấm huy chương vàng của Trung úy Trần Oanh giành được trên xạ trường Plêzen (Tiệp Khắc). Trần Oanh dự thi môn súng ngắn ổ quay bắn 60 viên đạt 587 điểm, vượt kỷ lục thế giới của xạ thủ Đại úy thủy quân lục chiến Mỹ nêu 586 điểm ở giải bắn súng vô địch thế giới lần thứ 38 tại Lơ-ke Ai Cập. Phút đăng quang của xạ thủ Trần Oanh, VĐV quân đội các nước vô cùng tự hào đã xúm lại công kênh xạ thủ Việt Nam và hô vang trời “Việt Nam anh hùng muôn năm”, “Giáp-Giáp, Hồ Chí Minh muôn năm”.
Các cuộc thi đấu của tuyển thủ quân đội trong khuôn khổ Đại hội TDTT Hữu nghị Quân đội các nước XHCN (SKDA) diễn ra tại Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hunggari, Rumani, Cuba, Trung Quốc… về đua mô tô, bóng chuyền, thể dục quân sự, chạy vũ trang…cũng từng giành những thành tích xuất sắc tương tự như vậy.
Có thể nói, lịch sử phát triển và trưởng thành của phong trào TDTT quân đội suốt 70 năm gắn liền với tình cảm cao quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật vậy, trải qua các thời kỳ: 1944-1954, đáng kể giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ, nhưng không vì thế mà bộ đội coi nhẹ nhiệm vụ rèn luyện thể lực. Giai đoạn 1955-1965 khôi phục các hoạt động TDTT của toàn quân khá mạnh mẽ. Giai đoạn 1966-1975 vừa kháng chiến chống Mỹ vừa không ngừng phát triển sự nghiệp TDTT để xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đồng thời chi viện chiến trường miền Nam đánh cho Mỹ cút ngụy nhào. Và hai giai đoạn sau 1976-1986, 1987 đến nay, mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cao tuổi nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi, hỏi han, động viên mọi hoạt động TDTT nói chung, phong trào TDTT quân đội nói riêng. Các cuộc “Đua xe đạp về nguồn”, “Đua xe đạp về Điện Biên Phủ”, “Đua xe đạp vượt Trường Sơn” và Đại hội TDTT toàn quân từ lần thứ nhất năm 1959 đến nay…đã nói lên sự quan tâm đặc biệt đó của vị Đại tướng trên 100 tuổi.
Hình ảnh sâu sắc Anh Văn với Thể dục thể thao
Từ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, trong chiến khu Việt Bắc đến những năm cuối thế kỷ 20, kể cả 10 năm đầu thế kỷ 21, không ít lần các phóng viên nước ngoài, các nhà báo quốc tế từng hỏi Đại tướng sau mỗi cuộc làm việc: “Nguyên nhân nào mà Đại tướng có sức làm việc tuyệt vời, có tư duy quân sự uyên thâm sâu sắc đến như vậy?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười tươi và đáp: “Bộ đội chúng tôi vừa chiến đấu vừa rèn luyện sức khỏe theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ của chúng tôi từng dạy từ năm 1946 “Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công!”.
Với những người làm công tác TDTT nước nhà, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hoạt động TDTT còn sâu đậm hơn nữa. Lần đầu tiên tại một địa điểm cạnh sông Đáy tỉnh Hà Đông cũ, lễ bế giảng khóa 2 đào tạo cán bộ TDTT ngày 15-11-1946, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ra tận xạ trường theo rõi kết quả việc học sinh bắn đạn thật. Tại một địa điểm gần đó, ông còn tới xem các học viên thi kiểm tra môn ném lựu đạn, đánh võ…
Hòa bình năm 1954 được 2 tháng, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác Thể dục thể thao gọi tắt Thể Công ngày 23-9-1954. Về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10, Đội bóng đá Thể Công ra quân trên sân Cột Cờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng… tươi cười chung vui với các cầu thủ ra sân. Nhiều lần khác Đại tướng đến sân vận động Hàng Đẫy xem thi đấu giải bóng đá trong nước, Giải Bóng đá SKDA các năm 1963, 1984, khai mạc các hoạt động Thể thao…
Lần ấy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình-quê hương Đại tướng mở Đại hội TDTT toàn huyện lần thứ nhất. Từ Hà Nội về thăm quê, ông ra dự Lễ khai mạc Đại hội và xuống bến xuất phát trên sông Kiến Giang động viên các đội thuyền đua, thăm hỏi các cụ ông, cụ bà cùng bà con cô bác xã Lộc Thủy tham gia Đại hội “Khỏe để lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc”.
Năm 2006, nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 95 của Đại tướng, đoàn cán bộ TDTT lên nhà 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình chúc thọ. Thay mặt đoàn, tôi xúc động nói “Kính chúc bác Văn dồi dào sức khỏe!”. Đại tướng cười tươi rất vui và nói chậm rãi cho mọi người cùng nghe: “Gọi là anh Văn thôi!”.
Tiếp tục phát biểu, tôi nghẹn ngào “Kính thưa Anh Văn…”. Phòng khách của Đại tướng rộng cả trăm mét vuông, rực rỡ cờ, trướng chúc mừng, mừng thọ, quà lưu niệm trong nước và quốc tế vỡ òa với niềm vui lớn. Đại tướng cười rất tươi. Đoàn cán bộ TDTT cũng cười lớn với anh Văn tvô cùng ấm áp.
Hôm ấy, lúc chia tay, Anh Văn viết tặng lưu bút:
“Tuổi càng tăng, Tâm càng sáng, Trí càng cao. Mong các cựu giáo chức và cựu học sinh Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn “cựu mà không cũ”, luôn đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đóng góp xây dựng nền thể dục thể thao nước nhà ngày càng phát triển, làm cho “Dân cường, quốc thịnh” như Bác Hồ hằng mong muốn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Với sinh viên Trường Đại học TDTT Từ Sơn nói riêng, cán bộ TDTT nói chung, mọi người nhớ tới bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trước đó 12 năm, tháng 12 năm 1994:
“Thư gửi các cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao I.
Thân ái gửi toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên thân mến.
Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào ngày 14-12-1994 – ngày mà cách đây 33 năm Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã về thăm… Tôi thân ái gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng và những tình cảm thân thiết nhất tới toàn thể các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ công nhân viên và học sinh, sinh viên các thế hệ đã và đang công tác, học tập ở trường nay cùng về tụ họp nhân ngày hội truyền thống vẻ vang của nhà trường.
Tôi vui lòng biết rằng… những năm đổi mới gần đây cố gắng dạy tốt, học tốt và xây dựng nhà trường đạt được nhiều kết quả góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo cán bộ và phát triển phong trào TDTT cả nước… Đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học, hết lòng vì sự nghiệp TDTT của cả nước, luôn cố gắng vươn lên xây dựng trường để xứng đáng là trung tâm lớn nhất về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về TDTT, góp phần sớm đưa nền TDTT nước ta sánh kịp với các nước.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe. Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với cán bộ, sĩ quan, vận động viên thể thao Quân đội càng nhớ và ghi sâu lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 4-3-2008 nhân dịp xuất bản cuốn “Thể dục Thể thao quân đội – Những chặng đường”:
“ Hơn nửa thế kỷ qua, phong trào TDTT quân đội đã có nhiều thành tích góp phần quan trọng vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Tại nhiều cuộc thi đấu trong nước và ngoài nước nhiều cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên quân đội đã lập công xuất sắc, đem lại niềm tự hào và vinh quang cho Quân đội và Nhân dân ta.
Tôi mong rằng Thể dục Thể thao Quân đội không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc, phấn đấu giành nhiều đỉnh cao trong thi đấu và phong trào rèn luyện thể dục thể thao phổ cập ngày càng mở rộng, nhằm góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, tinh nhuệ, chính quy và hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Hình ảnh vị Đại tướng nam chinh, bắc chiến, trăm trận đánh, trăm trận thắng Võ Nguyên Giáp mãi gắn với hai từ Việt Nam-Hồ Chí Minh. Từ trận ra quân đầu tiên Phai Khắt-Nà Ngần năm 1944 đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng rạng danh Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Ngành Thể dục thể thao nước nhà ghi sâu tình cảm cao quý và rất đỗi giản dị của Anh Văn-Nhà quân sự lỗi lạc với hoạt động TDTT khắp cả nước.
Theo Thể thao Việt Nam