Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic London 2012

Đến thời điểm này, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công tác chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 – năm 2019. Để tổ chức thành công kỳ Đại hội mang tầm cỡ châu lục này, Việt Nam rất cần học hỏi, tham khảo kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn của các nước trên thế giới trong đó có Olymplic London 2012 - một trong những sự kiện thể thao đã gây được tiếng vang lớn về công tác chuẩn bị và tổ chức.

Chiều 12/6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, Huân tước Green – Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư của Anh và Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokes đã chủ trì buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic London 2012.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải phát biểu tại buổi tọa đàm
(Ảnh: Văn Duy)
Tại buổi tọa đàm, nói về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 – 2019, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết: ASIAD 18 dự kiến sẽ tổ chức với 36 môn thi đấu (28 môn Olympic, 4 môn khu vực và 4 môn xin ý kiến OCA). Đại hội lần này sẽ có sự tham gia của khoảng 12.000 VĐV, cán bộ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á. Số lượng các đại biểu dự kiến là 2.000 người và số lượng phóng viên báo chí truyền thông là khoảng 5.000 người.

Hiện, để đảm bảo hạ tầng cơ sở cho ASIAD 18, Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực chuẩn bị địa điểm thi đấu, hệ thống giao thông công cộng. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang 70% cơ sở hạ tầng phục vụ ASIAD 18 đã được xây dựng chỉ cần nâng cấp và 30% còn lại đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, Huân tước Green nhấn mạnh: muốn tổ chức thành công một sự kiện thể thao lớn đòi hỏi Ban tổ chức phải có nhiều kinh nghiệm trong quản lý dự án và tổ chức sự kiện. Luân Đôn đã có 7 năm để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012. Ban tổ chức TVH Olympic London 2012 đã xây dựng kế hoạch chi tiết ngay từ khi bắt đầu công tác chuẩn bị như việc đầu tư vốn, chiến lược thực hiện và đặc biệt là việc đưa các hạ tầng cơ sở phục vụ TVH Luân Đôn 2012 trở thành di sản để lại cho người dân.

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Văn Duy)

Từ năm 2013, gần 3000 căn hộ trong Làng Olympic được bán hoặc cho thuê làm nhà ở, và gọi là Làng Đông (East Village). Công viên Olympic sẽ đổi tên là Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth, trở thành công viên lớn nhất châu Âu, hàng năm sẽ đón 9,3 triệu khách thăm quan. Một số công trình thể thao sẽ do các công ty tư nhân thầu sử dụng dài hạn.

Đây là một trong những kinh nghiệm mà phía Việt Nam rất muốn học hỏi từ Anh bởi rất nhiều kỳ TVH và ASIAD ở các nước đã gặp phải tình trạng đầu tư xây dựng các công trình thể thao khổng lồ phục vụ cho các sự kiện thể thao lớn, sau đó không được sử dụng nhiều hoặc biến thành nơi tham quan du lịch. Vấn đề này đã được Anh xử lý khá tốt. Ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ.

Nhiều kinh nghiệm về công tác thiết kế, xây dựng sân vận động, xây dựng và kiện toàn cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý dự án tổng thể trong quá trình tổ chức Olympic london 2012, các phương án về giao thông đã được đại diện các doanh nghiệp Anh chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Theo các doanh nghiệp Anh, điều quan trọng tạo để tổ chức thành công một sự kiện thể thao vẫn là vấn đề ngân sách và cơ chế làm việc một cửa. Nắm bắt được điều này, ngay khi bắt đầu quá trình chuẩn bị cho Olympic London 2012, nước Anh đã thành lập hẳn một Bộ phận riêng, quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan tới TVH. Vấn đề kinh phí cũng cần được tính toán kỹ lưỡng  để hạn chế việc kinh phí có thể bị đội lên quá cao. Ông David Martyn Watkins, Phó Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Mace Construction chia sẻ.

Còn theo Công ty Foster + Patners, một doanh nghiệp đã tham gia chuẩn bị, tổ chức Olympic London 2012, việc huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nên sử dụng mô hình hợp tác Nhà nước-Tư nhân (PPP). Bởi theo thống kê của công ty này, 70% dự án hạ tầng phục vụ thể thao do đơn vị nhà nước thực hiện đều hoàn thành chậm tiến độ, trong khi đó với mô hình PPP thì con số này chỉ là 24%.

Đánh giá cao hiệu quả của buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định: buổi tọa đàm là cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình hợp tác, đầu tư trong tương lai, góp phần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Hiện, công tác chuẩn bị của Việt Nam cho ASIAD 18 mới đang ở giai đoạn khởi đầu, vì vậy tôi đánh giá cao sự chia sẻ những kinh nghiệm của các doanh nghiệp Anh cũng như sự sẵn sàng hỗ trợ của phía Anh cho công tác chuẩn bị của Việt Nam .

V.A

Ảnh trong bài
  • Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic London 2012