Hội thảo Đề án bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, Võ cổ truyền Việt Nam đã từng bước được Luật hoá và chuẩn hoá để trở thành môn thể thao của dân tộc phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Việc khai khác, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và tinh hoa của Võ cổ truyền Việt Nam còn nhiều hạn chế, một số di sản về Võ cổ truyền chưa được quan tâm đúng mức, bị mai một, thất lạc hoặc chưa được quan tâm khôi phục như các võ miếu, võ phái, võ đường đặc trưng của các vùng miền.

Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam là việc làm cấp thiết và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Dựa trên những nhu cầu cấp thiết đó, sáng 28/5, Tổng cục TDTT đã tổ chức Hội thảo Đề án bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của ông Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng, ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cùng đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu, võ sư trên cả nước. 

Ông Vũ Trọng Lợi (giữa) chủ trì Hội thảo (Ảnh: Y Trang)
Tại Hội thảo, võ sư Đặng Danh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã trình bày những nét cơ bản của bản dự thảo Đề án bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam. Theo ông Tuấn, đến nay, Võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt ở 58 tỉnh, thành phố và 3 ngành Quân Đội, Công An, Giáo dục - Đào tạo. Cả nước có 24 tổ chức Hội, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh, thành phố và trên 60 chi hội. Hiện trên cả nước có trên 700 võ đường, CLB với trên 100 môn phái, võ phái, lò võ đang hoạt động, thu hút khoảng 60 ngàn võ sinh tham gia tập luyện. Trên trường quốc tế, Võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, Đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn cụ thể: giai đoạn 1: 2013 - 2016 với mục tiêu khảo sát, sưu tầm, bảo tồn các võ miếu, các hiện vật về Võ cổ truyền; xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 1 võ miếu và 3 -5 lò võ; có 30 Hội, Liên đoàn Võ cổ truyền cấp tỉnh, thành; đào tạo các HLV, hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy truyền bá Võ cổ truyền trong nước và quốc tế.

Giai đoạn 2: 2017 - 2020: hướng đến 100% tỉnh, thành trong cả nước có người tập luyện Võ cổ truyền; xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa 3 - 5 lò võ; có 40 Hội, Liên đoàn Võ cổ truyền cấp tỉnh, thành; nghiên cứu xây dựng các bài tập đưa việc giảng dạy Võ cổ truyền vào các trường đào tạo chuyên ngành TDTT và chương trình học ngoại khoá của các trường học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng đến có 20 Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại các nước trên thế giới và có 35 nước trên thế giới có người tập luyện thường xuyên Võ cổ truyền; xây dựng hệ thống thi đấu giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á, châu Âu,...

Đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Đề án, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng: việc xây dựng Đề án là một việc làm cấp thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý về bảo tồn và phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Cố đô Huế, Đề án cần nêu bật hơn nữa vai trò của Võ cổ truyền Việt Nam, đồng thời cần nêu rõ sự phối kết hợp giữa cấp quản lý nhà nước với các võ đường, võ phái.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn cố đô Huế (Ảnh: Y Trang)

Võ sư Trần Việt - Phó Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Đề án cần có lộ trình phát triển cụ thể để đưa môn Võ cổ truyền Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học. Nên tổ chức nhiều hơn nữa các giải thi đấu Võ cổ truyền trong học sinh, sinh viên để tạo nền tảng phát triển môn Võ này ở các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, Đề án hướng đến đối tượng người cao tuổi cũng nên xây dựng những bài quyền thành những bài võ dưỡng sinh để thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện môn Võ cổ truyền Việt Nam.

Đồng quan điểm với các đại biểu về sự cấp thiết của việc bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam, ông Lô Trung Thành - Phó Giám đốc thường trực Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho biết: Đề án cần nêu rõ hơn vai trò của ngành GDĐT về việc tăng cường sự phối hợp phát triển môn Võ này trong học đường. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm, đầu tư phát triển hơn nữa Võ cổ truyền Việt Nam ở địa phương mình. Riêng đối với tỉnh Nghệ An cũng đã xác định môn Võ cổ truyền là 1 trong 8 môn thể thao trọng điểm cần tập trung phát triển. Hàng năm ở Nghệ An đều tổ chức các giải thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam thu hút rất đông các VĐV tham dự.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, ông Vũ Trọng Lợi cho biết: Để Đề án thực sự phát huy được hiệu quả thì rất cần sự chung tay, góp sức của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn và có sự chỉ đạo thống nhất các nội dung và giải pháp từ trung ương đến các tỉnh, thành, ngành. Hội thảo lần này đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà chuyên môn, đây sẽ cơ sở để bộ phận thư ký tổng hợp bổ sung, chỉnh sửa lại bản dự thảo Đề án để sớm trình Bộ VHTTDL phê duyệt.

V.A

Ảnh trong bài
  • Hội thảo Đề án bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020