Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã báo cáo tổng quan về công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình văn hóa thể thao cơ sở trong đó nhấn mạnh: Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ Trung ương đến địa phương thời gian qua được tăng cường với xu hướng chung là gần gũi, phục vụ sát nhu cầu của nhân dân ở cơ sở, trong đó một số công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn, kiến trúc đẹp đã được đầu tư xây dựng.
Theo đó, các thiết chế văn hóa, thể thao đã đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động. Nhiều điển hình về xây dựng, quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và cách làm sáng tạo trong nhân dân đã góp phần xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao thiết thực với đời sống cơ sở. Đội ngũ cán bộ, CTV được bồi dưỡng, đào tạo từ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã trở thành hạt nhân nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa, thể thao cơ sở.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở trên toàn quốc so với mục tiêu cụ thể trong các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn thấp, các chỉ tiêu về số lượng, trình độ cán bộ và diện tích đều ở mức độ khiêm tốn. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ văn hóa TDTT cơ sở còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, kinh phí tổ chức còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nội dung tổ chức hoạt động.
9 tham luận được lựa chọn chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình văn hóa, thể thao cơ sở ở Hội nghị lần này đại diện cho các đơn vị điển hình có nhiều thành tích như: Trung tâm văn hóa - thể thao Cẩm Phả, Quảng Ninh, Nhà thi đấu TDTT tỉnh Hải Dương, Trường Thể thao thanh thiếu niên 10 - 10, công ty Tuyền than Cửa Ông - Tập đoàn than Việt Nam, Trung tâm TDTT huyện chợ mới tỉnh An Giang, Trung tâm văn hóa thể thao quận Tân Bình, Trung tâm văn hóa thể thao Tp. Nha Trang, UBND xã Lộc Ninh - Đồng Hới - Quảng Bình, xã Glar huyện Đak Đoa - Gia Lai. Về cơ bản, các bản tham luận đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu tham dự Hội nghị.
|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Phần thảo luận tại 3 điểm cầu diễn ra với không khí sôi nổi cùng tinh thần xây dựng cao, hầu hết các ý kiến đều tập trung vào vấn đề nòng cốt chính là yếu tố con người - tức trách nhiệm, cách nhìn và nhận thức của người đứng đầu mỗi cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, TDTT tại địa phương.
Về vấn đề này, tại đầu cầu Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Thông - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra ý kiến: Nếu người đứng đầu mỗi cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao có nhận thức tốt về trách nhiệm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thì ở đó công tác quản lý, khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở sẽ phát triển rất mạnh. Để làm tốt việc này, ngành nên căn cứ vào nhu cầu thực tế của mỗi cơ sở về cán bộ văn hóa, thể thao để lập kế hoạch về nguồn nhân lực, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Trong khi đó, đại diện đại biểu ở đầu cầu Đà Nẵng nhấn mạnh: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình văn hóa, thể thao cơ sở, Đà Nẵng luôn ý thức được tầm quan trọng của yếu tố con người, do đó Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch đào tạo các cán bộ phụ trách văn hóa, thể thao gửi đi học ở nước ngoài để trở về làm công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Ở điểm cầu Hà Nội, đại biểu Bùi Công Phượng - Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình chỉ rõ: Bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở là việc làm cần thiết và cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Có như vậy, mới khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các công trình văn hóa, thể thao trên toàn quốc.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định: Nhìn chung, các đại biểu đã đồng thuận cao với Báo cáo tổng quan về kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng công trình văn hóa, thể thao cơ sở. Qua báo cáo, có thể thấy rằng các công trình văn hóa, thể thao về cơ bản đã được hình thành một cách đồng bộ, có hệ thống từ Trung ương đến xã, phường và thị trấn, được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả phục vụ hàng triệu lượt người đến sinh hoạt văn hóa và tập luyện TDTT.
Những công trình văn hóa, thể thao do ngành VHTTDL quản lý, sử dụng cùng với các công trình văn hóa, thể thao do các ngành, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội khác đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng đã tạo nên một mạng lưới các công trình văn hóa thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, qua thực tế cũng phải nhìn nhận rằng việc quản lý, sử dụng và khai thác các thiết chế văn hoá, thể thao ở một số địa phương, đơn vị còn chưa đạt hiệu quả tốt. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu: trên cơ sở các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị, BTC Hội nghị cần sớm hoàn thiện tài liệu, gửi các địa phương, đơn vị để phổ biến những cách làm hay những phương thức quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả để nhân rộng trên toàn quốc.
N. Hương