Khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất tại một số NTĐ dự kiến phục vụ Asiad 18

Để xây dựng nội dung chi tiết cho dự thảo Đề án tổ chức Asiad 18 năm 2019 tại Việt Nam trong đó các nội dung liên quan tới địa điểm thi đấu phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Ngày 28/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ủy ban Olympic Việt Nam đã tới khảo sát, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất (CSVC) dự kiến phục vụ Asiad 18 gồm: Nhà thi đấu (NTĐ) Sóc Sơn, Gia Lâm, Trung tâm thể thao Hoài Đức và Đông Anh. Đi cùng đoàn còn có một số cán bộ Ủy ban Olympic Việt Nam và TTTTC.

Huyện Đông Anh với công trình "Trung tâm văn hóa thể thao huyện Đông Anh" được xem là một trong những địa điểm thuận lợi cho việc đăng cai thi đấu Asiad 18. Công trình khởi công trong quý 2 năm 2013 và NTĐ sẽ được xây dựng trước. Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Quang Đặng - Giám đốc ban quản lý dự án huyện Đông Anh cho biết: " Đây là một trong những công trình trọng điểm của huyện Đông Anh năm 2013. Công trình được tuyển chọn kỹ lưỡng về thiết kế, với hai hạng mục công trình chính là NTĐ và Nhà văn hóa mang tầm cỡ quốc gia. NTĐ sẽ khởi công ngay trong quý 2 năm 2013 với đầy đủ công năng, đáp ứng tốt các hoạt động quốc tế...".

Công trình Trung tâm VH,TT Đông Anh được đánh giá là hiện đại và mang tầm cỡ quốc gia (Ảnh: Y Trang)

Từ báo cáo khái quát công trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nếu huyện Đông Anh chắc chắn có CSVC, NTĐ đảm bảo xây dựng đúng tiến độ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu như mặt sàn, ánh sáng, khoảng không khởi động..., việc Đông Anh sẽ là một trong những địa điểm thi đấu tại Asiad 18 đạt tính khả thi cao".

Đối với 3 địa điểm là Hoài Đức, Sóc Sơn và Gia Lâm, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá mặt bằng chung về hệ thống CSVC nơi đây cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quy mô, số lượng phòng chức năng, hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hòa, bảng điện tử... Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Asiad là đấu trường lớn hơn SEA Games hay Asian Indoor Games rất nhiều. Dự kiến sẽ có khoảng trên dưới 30 đội tham dự tại mỗi NTĐ vậy nên việc bố trí các nhà bạt để VĐV luyện tập, khởi động là rất cần thiết...". 

Hệ thống CSVC các NTĐ cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu (Ảnh: Y Trang)

Ngoài điều kiện CSVC thì vị trí địa lý và giao thông cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhận định vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là những địa điểm nằm gần nội thành Hà Nội, thuận lợi cho việc tổ chức các môn thi đấu tại Asiad. Làng VĐV với sức chứa 11.000 người xây dựng tại Đặng Xá II hoặc Thượng Thanh - Long Biên vậy nên khoảng cách di chuyển cho các VĐV đến các địa điểm trên là không xa, tiết kiệm được chi phí...

Chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm TDTT huyện Đông Anh, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: " Với tinh hình kinh tế khó khăn như hiện nay, đề án địa điểm đăng cai thi đấu Asiad phải được tính toán kỹ lưỡng, chi tiết và rất cụ thể. Các địa điểm thi đấu nên cách không quá xa so với làng VĐV. Có như vậy thì không những dễ dàng cho công tác tổ chức mà còn tránh được tối đa sự lãng phí cả về nhân lực lẫn vật lực...."

Tại mỗi địa điểm khảo sát, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị ban lãnh đạo gửi đề xuất, dự kiến kinh phí cho việc bảo trì, nâng cấp hệ thống CSVC bằng văn bản tới Văn phòng Ủy ban Olympic trong thời gian sớm nhất để góp phần tích cực hoàn thành Đề án tổ chức Asiad 18 dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 3,

Minh Đăng

Ảnh trong bài
  • Khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất tại một số NTĐ dự kiến phục vụ Asiad 18