Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ trong quá trình báo cáo làm rõ các vấn đề: đánh giá thực trạng hoạt động các cơ sở đào tạo trong thời gian qua để nhìn nhận ưu điểm và tồn tại, từ đó xây dựng định hướng hoạt động trong thời gian tới; cụ thể hóa chiến lược quốc gia vào từng cơ sở đào tạo như thế nào; xây dựng mô hình đào tạo nào; đổi mới giáo trình giáo án, hệ thống cơ sở vật chất...
Theo báo cáo của Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL, tính đến nay có 34 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ VHTTDL, trong đó có 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, 4 cơ sở đào tạo thể dục thể thao, 8 cơ sở đào tạo du lịch, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch và 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia với đội ngũ giảng viên, giáo viên liên tục tăng về số lượng và trình độ từng bước được nâng lên.
|
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì buổi họp (Ảnh: Y Trang) |
Trong số 3.112 giảng viên, giáo viên có 1.811 giảng viên, giáo viên cơ hữu, 614 hợp đồng và 687 giảng viên, giáo viên thỉnh giảng. Tỷ lệ giảng viên, giáo viên có trình độ sau đại học trở lên chiếm 26,49% tổng số giáo viên, giảng viên thống kê được, trong đó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 4,6%. Hầu hết giảng viên, giáo viên đều biết ngoại ngữ và tin học.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ có 6 Giáo sư, 42 Phó Giáo sư, 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 44 Nghệ sĩ ưu tú, 32 Nhà giáo nhân dân, 191 Nhà giáo ưu tú, 5 Chuyên gia và 1 nghệ nhân tham gia giảng dạy. Chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới, từ năm 2007 đến nay đã xây dựng được 81 chương trình khung giáo dục văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch.
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã triển khai khoảng 50 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, gần 400 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tổ chức và tham gia nhiều hội thảo khoa học trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Tính đến năm 2012, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã cử học sinh, sinh viên và giảng viên đến 17 nước tham gia các khóa học. Các trường chủ động thiết lập, mở rộng các quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều trường trực thuộc Bộ đã khẳng định bề dày trong hợp tác quốc tế về đào tạo.
Bên cạnh những ưu điểm như: số cơ sở đào tạo, quy mô, ngành nghề, cơ cấu đào tạo ngày càng tăng; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên dần được nâng cao, chuẩn hóa; Chương trình, giáo trình dần được hoàn thiện; Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học ngày càng được chú trọng, tăng cường; Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn kết với đào tạo; Công tác hợp tác quốc tế về đào tạo ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh có hiệu quả; Chế độ, chính sách ngày càng thể hiện sự quan tâm hơn đến các lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch; Kết quả đào tạo và chất lượng sinh viên tốt nghiệp của các trường có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế như: Quy mô đào tạo chưa đủ lớn, ngành nghề đào tạo thiếu, phân bố cơ sở đào tạo chưa hợp lý; Đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu về số lượng và số người có trình độ chuyên môn cao chưa nhiều; Chương trình chậm đối mới, giáo trình còn thiếu, chưa hoàn chỉnh; Cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu sự liên kết, liên thông. Ngoài ra, báo cáo còn nêu ra định hướng, dự báo nhu cầu và mục tiêu đào tạo nhân lực VHTTDL trong thời gian tới; những khó khăn và vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo VHTTDL; một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác VHTTDL...
|
Toành cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang) |
Các đại biểu dự họp cũng được nghe chiến lược khung của một số cơ sở đào tạo như: Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội; Học viện âm nhạc quốc gia... trong đó mục tiêu mà chiến lược Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đưa ra là xây dựng được nguồn lực HLV, VĐV, trọng tài có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Góp ý về việc xây dựng chiến lược, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành khẳng định: mỗi cơ sở đào tạo có những thế mạnh riêng, do đó cần khai thác tối đa những điểm mạnh nhằm xây dựng thương hiệu riêng. Các cơ sở đào tạo cũng cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của xã hội để từ đó có hướng đào tạo hợp lý và hiệu quả.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ nhanh chóng xây dựng chiến lược riêng theo đặc thù của từng đơn vị từ 2012 - 2020 gửi về Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL chậm nhất là 25/3/2013. Sau đó, Vụ Đào tạo sẽ tổng hợp, xây dựng chiến lược khung, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị các cơ sở đào tạo trước khi xây dựng chiến lược cần nghiên cứu kỹ quy hoạch lĩnh vực của mình để từ đó xây dựng nội dung trúng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của cơ sở mình đồng thời nhìn nhận rõ vị trí, so sánh với khu vực và đưa ra mục tiêu cụ thể (tầm nhìn đền năm 2020). Trong chiến lược phải nêu bật được dự báo nhu cầu phát triển để có hướng đào tạo hợp lý, hiệu quả; gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, tối đa hóa các nguồn lực phục vụ công tác đào tạo, tăng cường sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc đào tạo trước tiên là đào tạo con người sau đó mới tới đào tạo nghề để có được đội ngũ giáo viên, sinh viên đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
A.T